Tại Hội nghị "Tiếp cận toàn diện quy trình xử lý đột quỵ" do BV Bạch Mai tổ chức ngày 30/6, PGS.TS Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, số bệnh nhân đột quỵ được đưa đến BV luôn rất đông, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đột quỵ.

Chỉ khoảng 5% bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến BV trong thời gian sớm

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não.

PGS.TS Mai Duy Tôn khuyến cáo khi một bệnh nhân nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ, người chứng kiến cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên sâu có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất

“Khi một bệnh nhân bị đột quỵ, người dân thường không có thói quen đưa đi cấp cứu. Ban đầu, thấy các triệu chứng nhẹ nên họ chủ quan, thường để bệnh nhân ở nhà hoặc hon các bài thuốc truyền miệng, vì vậy nên đã bỏ qua cơ hội để điều trị tối ưu. Đến khi người bệnh có dấu hiệu nặng họ mới đưa đến viện thì đã qua giai đoạn “cửa sổ vàng” để điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ. Những bệnh nhân đến muộn thì trong tình trạng rất nặng” - PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết.

Trên thực tế, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến sớm tính từ lúc khởi phát triệu chứng chỉ chiếm khoảng 5%, trong khi đó theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời.

Nếu bệnh nhân được đến phòng cấp cứu trong 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng và được chẩn đoán là đột quỵ do thiếu máu, thuốc tiêu sợi huyết (tan huyết khối) sử dụng đường tĩnh mạch sẽ được chỉ định khẩn cấp nhằm làm tan cục máu đông và giải phóng mạch máu bị tổn thương. Vì vậy, ghi nhớ thời điểm xuất hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên là quan trọng, giúp bác sĩ cấp cứu quyết định liệu pháp điều trị thích hợp.

Do đó, PGS.TS Mai Duy Tôn chuyên gia khuyến cáo, khi một bệnh nhân nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ, người chứng kiến cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên sâu có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất. Hãy kiểm tra, quan sát để phát hiện 3 dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đột quỵ như sau:

- Hãy yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụ từ đơn giản. Nếu bệnh nhân nói không lưu loát, đó là dấu hiệu bất thường.

- Quan sát xem miệng bệnh nhân có bị mất cân đối, hoặc xệ một bên miệng.

- Yêu cầu bệnh nhân giơ đều hay tay lên cao, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường.

“Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất”, PGS Tôn nhấn mạnh

Thầy thuốc BV Bạch Mai hỗ trợ tuyến dưới làm chủ các kỹ thuật điều trị đột quỵ

Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS Mai Duy Tôn cho hay, hiện nay tất cả các phương pháp điều trị đột quỵ tiên tiến trên thế giới đều đang được áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt tại BV Bạch Mai.

Với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não kỹ thuật điều trị tái tưới máu bằng thuốc BV đã thực hiện thường quy và đã chuyển giao cho bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến dưới… giúp bệnh nhân vùng xa BV Bạch Mai có cơ hội. Hay các kỹ thuật can thiệp nội mạch đang được BV Bạch Mai đào tạo, triển khai để áp dụng tại các bệnh viện tỉnh có đủ điều kiện về con người, trang thiết bị

“Cấp cứu đột quỵ là khẩn nguy, tất cả bệnh nhân đột quỵ cần cấp cứu, xử lý ngay. Vì thế, việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến tỉnh, khu vực, thậm chí cả tuyến huyện nếu đáp ứng đầy đủ trang thiết bị, con người là rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận điều trị nhanh nhất”- PGS.TS Mai Duy Tôn nói

Bổ sung thêm thông tin PGS.TS Vũ Đăng Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang BV Bạch Mai cho biết, trong cấp cứu đột quỵ, nhất là với đột quỵ nhồi máu não, chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng để loại trừ chảy máu, điều trị càng sớm càng tốt.

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ và các BV ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có đơn vị cấp cứu đột quỵ

Nhờ ứng dụng thêm các kỹ thuật can thiệp, hiện nay các điều trị đột quỵ ngoài tiêu sợi huyết trước 4,5 tiếng, có nhiều can thiệp qua đường mạch máu với bệnh nhân có cục tắc lớn giúp tái thông mạch máu nhanh hơn, mở rộng thời gian điều trị, có thể kéo dài đến 6 tiếng, thậm chí có bệnh nhân sau 24 giờ đột quỵ được can thiệp thành công.

“Với những phương pháp thăm khám hình ảnh hiện đại như chuyên sâu chụp thăm khám hình ảnh xác định điều trị tưới máu thì có thể cứu sống được bệnh nhân sau giai đoạn 6 tiếng. Khi mà chúng ta triển khai rộng rãi can thiệp điều trị tiêu huyết khối sẽ mở rộng được khoảng thời gian điều trị cho bệnh nhân, cứu sống được nhiều bệnh nhân”- PGS.TS Vũ Đăng Lưu nói.

Hiện nay, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính thông thường, cắt lớp vi tính mạch máu cũng được BV Bạch Mai chuyển giao để có thể triển khai rộng rãi tuyến cơ sở rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng cơ hội cứu sống người bệnh.

Cảnh báo người trẻ cũng bị đột quỵ

Theo các chuyên gia, trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ không còn phụ thuộc vào lứa tuổi, có rất nhiều người trẻ bị đột quỵ.

Ở người trẻ, bị đột quỵ do chảy máu não nhiều hơn so với người già ( người già đột quỵ do thiếu máu não) vì người trẻ có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp nhưng chủ quan không điều trị' chủ quan không quan tâm chế độ ăn uống, nghỉ ngơi; người trẻ có các bất thường dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não… vỡ gây ra gây xuất huyết.

Trong khi đó, ở người già thì mắc các bệnh mãn tính tăng huyết áp, mỡ máu, đái đường… gây nguy cơ tắc mạch cao hơn, dẫn đến đột quỵ thiếu máu não cao hơn ở người cao tuổi.

Theo Sức khỏe Đời sống