Rối loạn lipid máu (tăng nhiều cholesterol trong máu) là một trong những nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch. Mỗi năm thế giới có khoảng 17 triệu người chết vì các bệnh tim mạch mà đa số là liên quan đến xơ vữa động mạch. Tuy vậy, một tin vui cho bạn là bạn có thể hoàn toàn khống chế được lượng cholesterol của bạn và giảm được các yếu tố nguy cơ. Vấn đề đặt ra là bạn cần hết sức kiên nhẫn, tuân thủ các nguyên tắc và hành động thiết thực theo các chỉ dẫn của thầy thuốc. Việc khống chế, điều trị rối loạn lipid máu là một quá trình liên tục, suốt đời với mục tiêu cao cả là ngăn ngừa tối đa các biến cố tim mạch.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc

Những yếu tố có thể thay đổi được mà có ảnh hưởng mạnh đến rối loạn lipid máu của bạn đã được chứng minh rõ là: chế độ ăn uống, cân nặng, tập thể dục, phơi nhiễm (hút) thuốc lá… Do vậy, bạn cần tuân thủ:

- Chế độ ăn uống khỏe mạnh, hợp lý. Các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên là bạn cần biết về các thức ăn “béo” để có thể có chế độ ăn uống phù hợp nhất. 

- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn các ngày trong tuần

- Loại bỏ các thói quen có hại: hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu…

an-nhieu-rau-cu-qua-tuoi-se-giup-han-che-luong-mo-du-thua-trong-co-the.jpg

Ăn nhiều rau củ quả tươi sẽ giúp hạn chế lượng mỡ dư thừa trong cơ thể 

Phương pháp điều trị bằng thuốc

Khi có chỉ định, bạn sẽ được bác sỹ kê một hoặc nhiều loại thuốc để điều trị rối loạn lipid máu tốt nhất cho bạn. Các thuốc điều trị rối loạn lipid máu hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giảm LDL cholesterol. Thêm vào đó, các thuốc làm tăng HDL và giảm Triglycerid cũng được cân nhắc sau khi đã đạt được mục tiêu giảm LDL. Tất cả các thuốc giảm cholesterol loại kê đơn đang có trên thị trường đều có thể có những tác dụng phụ nguy hại (tất nhiên là hiếm gặp). Bạn cần lưu ý báo cáo với thầy thuốc những khó chịu bạn gặp phải để bác sỹ kịp thời điều chỉnh cho bạn. Các tác dụng phụ có thể gặp phải là suy tế bào gan, viêm cơ (tiêu cơ), ỉa chảy, đau đầu…

Việc dùng thuốc điều trị rối loạn lipid máu cần lâu dài và bên cạnh đó bạn vẫn phải tôn trọng chế độ không dùng thuốc, đây là một nhấn mạnh để đảm bảo thành công của điều trị.

su-dung-thuoc-phai-tuan-theo-chi-dinh-cua-bac-si.jpg

Sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ 

Một số loại thuốc điều trị rối loạn lipid máu

- Thuốc nhóm statins: là nhóm thuốc được lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn lipid máu vì nó làm giảm LDL hữu hiệu, có thể làm tăng HDL và giảm được Triglycerid. Bên cạnh đó, nó có thể làm ổn định mảng xơ vữa, chống viêm... Các nghiên cứu lâm sàng đều chứng minh được lợi ích của statins trong làm giảm các nguy cơ bị bệnh tim mạch hoặc ngăn ngừa tái phát/tiến triển bệnh tim mạch. Một số thuốc có trên thị trường là: atorvastatin (Lipitor®); Fluvastatin (Lescol®);

- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: làm giảm được cholesterol bằng cách giảm hấp thu từ ruột non. Thuốc hiện có là ezetimibe (Zetia®).

- Resins (thuốc gắn với acid đường mật), do đó làm tăng ly giải cholesterol. Một số thuốc hiện có là: Cholestyramine (Questran®,); Colestipol (Colestid®).

- Thuốc nhóm Fibrates: là nhóm thuốc làm giảm triglycerides tốt và có thể làm tăng HDL. Thuốc này có thể phối hợp với thuốcnhóm statin để điều trị một số rối loạn lipid máu hỗn hợp. Một số thuốc hiện có là: Gemfi brozil (Lopid®);

- Niacin (nicotinic acid), là thuốc thuộc nhóm không kê đơn. Thuốc này tác động qua trung gian gan khi tổng hợp chất béo. Đây là nhóm thuốc làm tăng HDL tốt và thường được dùng phối hợp với thuốc nhóm statin. Khi dùng thuốc này có thể gây đau đầu, bừng mặt.

Bạn cần được theo dõi như thế nào?

Hãy theo chỉ dẫn của thầy thuốc, bạn cần được xét nghiệm các thành phần mỡ máu và theo dõi định kỳ.

Hãy luôn nhớ chỉ số của mình và mục tiêu cần đạt của mình không chỉ về thành phần lipid máu mà còn là các chỉ số về cân nặng, huyết áp, đường huyết...

Hãy kiên trì và tuân thủ chế độ điều trị, lối sống khỏe mạnh.

Thanh Nga