Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (Coronary artery bypass grafting – CABG) là một phẫu thuật nhằm cải thiện lưu lượng máu đến tim. Phương pháp này thường được chỉ định cho những người bệnh có mạch vành bị tắc hẹp nghiêm trọng.

Phẫu thuật bắc cầu và bệnh động mạch vành

Bệnh mạch vành xảy ra khi có các mảng xơ vữa tích tụ bên trong động mạch vành – mạch máu nuôi tim. Qua thời gian, mảng xơ vữa có thể dày lên, làm hẹp mạch máu và giảm lưu lượng máu giàu oxy tới tim. Cục máu đông (huyết khối) có thể hình thành ngay trên bề mặt mảng xơ vữa nếu nó bị nứt vỡ ra, có thể làm cản trở hoặc ngưng trệ hoàn toàn lưu lượng máu đi qua động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một trong những phương pháp điều trị bệnh mạch vành. Trong phẫu thuật này, bác sỹ sẽ sử dụng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh để tạo “cầu nối” qua các khu vực mạch máu bị tắc hẹp nhiều. Qua con đường mới này, máu sẽ đến vùng cơ tim bị thiếu máu một cách dễ dàng hơn. Trong một ca phẫu thuật, bác sỹ có thể thực hiện một hoặc nhiều cầu nối như vậy.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành lấy đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh làm “cầu nối”

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành lấy đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh làm “cầu nối”

Lợi ích của phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phương pháp này mang lại những lợi ích cho người bệnh mạch vành không đáp ứng tốt với điều trị nội khoa hay đặt stent, chẳng hạn như:

- Cải thiện chất lượng cuộc sống, làm giảm đau thắt ngực và các triệu chứng của bệnh mạch vành.

- Giúp người bệnh trở về với cuộc sống sinh hoạt bình thường.

- Cải thiện hoạt động bơm của tim nếu đã bị giảm bởi thiếu máu cơ tim

- Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim ở một số người bệnh (chẳng hạn những người có bệnh đái tháo đường).

- Kéo dài tuổi thọ của người bệnh mạch vành.

Rủi ro từ phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Cũng như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, bắc cầu động mạch vành cũng có những rủi ro nhất định, bao gồm:

- Nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng máu

- Gặp phải tác dụng phụ của thuốc gây mê

- Sốt

- Đau

- Đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tử vong

Một số người bệnh bị sốt kèm theo đau ngực, khó chịu và giảm cảm giác thèm ăn. Các triệu chứng này là do viêm, nhiễm trùng ở phổi hoặc màng ngoài tim. Biến chứng này thường không nguy hiểm, chỉ một số trường hợp tràn dịch màng ngoài tim cần phải xử trí sớm.

Một số người bệnh có thể bị giảm trí nhớ, khả năng tập trung hoặc suy nghĩ. Những vấn đề này thường xảy ra ở người cao tuổi, phụ nữ, có thể được cải thiện 6 – 12 tháng sau phẫu thuật. Nguy cơ gặp phải rủi ro này cũng cao hơn nếu người bệnh mắc kèm bệnh đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi hoặc bệnh động mạch ngoại biên.

Tpcn Vương Tâm Thống trước và sau phẫu thuật bắc cầu sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim hiệu quả. Hãy gọi cho chúng tôi theo số 0962.546.541 để được tư vấn chi tiết.

Các loại phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Tùy theo nhu cầu của người bệnh, bác sỹ sẽ khuyến cáo thực hiện một trong các loại phẫu thuật sau:

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành truyền thống (Traditional Coronary Artery Bypass Grafting)

Phẫu thuật này được sử dụng khi có ít nhất một “cầu nối” cần được mở. Người bệnh được cho thuốc ngừng tim tạm thời, một máy tim phổi nhân tạo giữ cho máu lưu thông khắp cơ thể trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau khi hoàn tất phẫu thuật, lưu lượng máu đến tim được phục hồi và trái tim có thể tự đập trở lại. Đôi khi, một vài cú sốc điện nhẹ có thể được sử dụng để “khởi động” lại nhịp đập cho tim.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể (Off-Pump-Coronary Artery Bypass)

Phẫu thuật này gần giống với phẫu thuật truyền thống, chỉ khác ở chỗ người bệnh không được cho thuốc ngừng tim và không cần sử dụng máy tim phổi nhân tạo trong quá trình phẫu thuật.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành xâm lấn tối thiểu (Minimally Invasive Direct Coronary Artery Bypass Grafting)

Loại phẫu thuật này sẽ không phải mở toàn bộ vùng xương ngực. Thay vào đó, bác sỹ sẽ rạch nhiều vết nhỏ ở phía bên ngực trái, giữa các xương sườn. Phẫu thuật này chỉ được sử dụng trong trường hợp mạch máu cần bắc cầu ở phía trước của trái tim. Đây là phương pháp khá mới lạ nhưng không phải ai cũng phù hợp, đặc biệt nếu có nhiều hơn 1 động mạch vành cần loại bỏ.

Sẹo sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn

Sẹo sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn

Ai cần phẫu thuật bắc cầu mạch vành?

Người bệnh động mạch vành ở mức độ nghiêm trọng có nguy cơ cao dẫn tới nhồi máu cơ tim cần được phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Cụ thể:

- Nhánh mạch vành lớn bị tắc nghẽn nghiêm trọng

- Bệnh động mạch vành không thể điều trị được bằng can thiệp mạch vành qua da, đặt stent.

- Tái hẹp động mạch vành nhiều lần sau khi can thiệp nong mạch vành qua da

- Động mạch vành bị tắc hẹp nhiều vị trí với nhiều nhánh khác nhau

- Chức năng co bóp của tim bị suy yếu sau một cơn nhồi máu cơ tim.

Các xét nghiệm và thăm khám trước khi bắc cầu động mạch vành

Thông qua khám thực thể (kiểm tra tim, phổi, mạch), điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp mạch vành, thông tim và các chẩn đoán hình ảnh khác, bác sỹ sẽ quyết định người bệnh có phù hợp để làm phẫu thuật hay không. Các yếu tố khác cần xem xét bao gồm: triệu chứng bệnh, mức độ nghiêm trọng và vị trí động mạch vành bị tắc, đáp ứng của người bệnh với các phương pháp điều trị, tuổi tác, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim khác...

Chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành?

Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, chẩn đoán, bác sỹ sẽ hướng dẫn bạn cần chuẩn bị những gì cho ca phẫu thuật (nên ăn gì, kiêng gì, uống thuốc gì và cần bỏ thói quen gì). Nếu xét nghiệm cho thấy bạn bị tắc nghẽn động mạch vành nghiêm trọng, bạn có thể được yêu cầu nhập viện ngay và phẫu thuật vào ngày hôm sau.

Lưu ý sau khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phục hồi trong bệnh viện

Sau khi phẫu thuật, người bệnh phải nằm 1 – 2 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt để kiểm tra thường xuyên nhịp tim, huyết áp, nồng độ oxy trong máu.Sau đó, người bệnh được chuyển đến nằm tại phòng bệnh bình thường trong 3 – 5 ngày trước khi xuất viện.

Phục hồi tại nhà

Tác dụng phụ có thể xuất hiện sau phẫu thuật nhưng thường tự biến mất trong 4 – 6 tuần, bao gồm:

- Khó chịu hoặc ngứa ở vết mổ

- Sưng tại vị trí động mạch hoặc tĩnh mạch đã được lấy để làm cầu nối

- Đau cơ hoặc tức ở vai và lưng

- Mệt mỏi, thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm

- Khó ngủ hoặc mất cảm giác ngon miệng

- Táo bón

- Đau xung quanh chỗ rạch xương ngực

Nếu phẫu thuật bắc cầu động mạch vành truyền thống, người bệnh có thể mất đến 6 – 12 tuần hoặc lâu hơn để hồi phục so với các loại phẫu thuật khác thường ngắn hơn. Bác sỹ sẽ cho biết khi nào có thể hoạt động thể chất. Hầu hết người bệnh có thể quan hệ tình dục sau khoảng 4 tuần, lái xe sau 3 – 8 tuần và trở lại làm việc sau 6 tuần. Thời gian này có thể khác nhau ở từng người. Sau khi xuất viện trở về nhà, người bệnh vẫn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để đánh giá hoạt động của tim cũng như hiệu quả của ca phẫu thuật.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành không có nghĩa bệnh mạch vành được chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh vẫn cần tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh trở nặng, bao gồm bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, hạn chế căng thẳng, áp dụng chế độ ăn tốt cho tim mạch và tuân thủ sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ để bảo vệ sức khỏe trái tim của mình.

Phương Nhi

Tham khảo:

http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/cabg/risks