Vị thuốc: Bồ hoàng là phấn hoa sấy hay phơi khô của cây Hương bồ
Tên khác cây dược liệu: Hương bồ thảo, còn gọi là Cỏ nến, Bồ đào, Bông nên, Bông liễng.
Tên khoa học: Typha Orientalis G.A. Stuart Typha Augustifolia L, Typha Orientalis Presl thuộc họ Hương bồ ( Typhaceae).
Đặc điểm thực vật cây Hương bồ: Cây thảo cao 1,5 đến 3m. Thân tròn lá hình bàn dài, mọc thành 2 hàng, có bẹ to. Hoa đơn tính cùng gốc, họp thành bông riêng biệt nhưng thường nằm trên một trục chung, bông đực ở trên, bông cái ở dưới, hai bông cách nhau một quãng ngắn. Cả cụm hoa trông như một cây nến màu đỏ. Nhị ở hoa đực bao bởi lông ngắn màu vàng, rất nhiều hạt phấn. Bông cái có cột nhụy dài, có nhiều lông trắng hay hơi hung, bầu có hình chỉ. Quả nhỏ hình thoi, khi chín mở dọc..
Phân biệt với dược liệu khác:
1) Cây cỏ nến nam (Typha javanica Graebn) là cây thảo cao 1,3-2,2m thân cứng, lá hẹp đầu thuôn. Bông hoa đực và bông hoa cái cách nhau 1,2-4cm. Bông đực hình trụ dài, có lông màu hung, nhị có chỉ mảnh ngắnm, bao phấn hình chỉ, hạt phân nhỏ màu vàng. Bông cái đỏ hơn ở loài trên, hình trụ cột nhụy dài, có nhiều lông mảnh, bầu có đầu nhụy màu nâu. Có quả vào tháng 1-2. Cây có nhiều ở Miền nam Việt Nam. Mầm cây non và nhị hoa có thể ăn được. Lông vàng và nhị hoa được dùng làm thuốc như cây Cỏ nến trên.
2) Ngoài ra người ta còn dùng Cây Typhaorientalis G.A Stuart là cây Cỏ nến cao từ 1,5-3m có thân rễ. Lá dài hẹp. Hoa đơn tính cùng gốc, họp thành bông riêng cách nhau 0,6-5,5cm nằm trên cùng một trục chung: bông đực ở trên, bông cái ở dưới. Nhị ở hoa đực bao bọc ở những lông ngắn màu vàng nâu, bông cái có lông nhạt hơn quả nhỏ, hình thoi, khi chín mở theo chiều dọc.
3) Ngoài những cây trên ra, người ta còn lấy phấn của những cây cùng họ với tên Bồ hoàng như Typha angustifolia L. Typha latifolia L., Typhadavidiana hand Mazz., Typha minima Funk…
4) Cần phân biệt với Cây Thạch Xương bồ (Acorus gramineus Soland) cũng được gọi là Bồ hoàng (Xem: Thạch xương bồ).
Phân bố: Bồ hoàng mọc hoang ở những vùng đầm lầy miền Bắc nước ta nhưng chưa được khai thác. Ở Trung quốc, cây Bồ hoàng mọc nhiều ở tỉnh Triết giang, Giang tô, An huy, Sơn đông, Hồ bắc.
Bồ hoàng tác dụng trong điều trị xơ vữa động mạch
Thu hái, sơ chế: Thu hoạch vào tháng 4 chọn lặng gió, cắt bông hoa phơi khô, thứ vàng là tốt (nếu trời râm phải trải ra, tránh ủ nóng làm biến chất), dùng cối nghiền sạch lông và tạp chất, phơi lấy hột nhỏ phơi khô để dùng.
Phần dùng làm thuốc: Dùng phấn hoa phơi khô của hoa đực. Dùng cả nhị đực và cái là không đúng.
Mô tả dược liệu: Chất bột nhẹ màu vàng tươi, quan sát dưới kính hiển vi hạt hoa gần hình cầu hoặc hình bầu dục, phấn hoa trong bột hình sợi dài khoảng 1,5mm, màu vàng đất hoặc màu nâu nhạt. Loại cỏ màu vàng óng ánh, khô hạt nhỏ nhẹ xốp không lẫn tạp chất là thứ tốt, thứ phơi nâu là kém.
Bào chế: Bọc 3 lần giấy nước cho sắc vàng, để nửa ngày sấy khô (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Luận). Dùng sống thì không Bào Chế, dùng chín thì sao qua.
Bảo quản: Dễ bị hút ẩm sinh mốc, khi đem phơi phải bọc trong giấy mỏng để khỏi bay. Tránh nóng quá sẽ biến chất. Đựng trong lọ kín.
Tính vị qui kinh: Vị ngọt, tính bình. Qui kinh Can, Tâm bào.
Thành phần chủ yếu:
Pollen Typhae augustatae-isorhamnentin, pentacosane, alpha-citosterol, palmatic acid, alpha typhasterol, tinh dầu, mỡ (10 - 30%).
Tác dụng dược lý:
Theo dược lý cổ truyền: Hành huyết khứ ứ, thu sáp chỉ huyết, lợi tiểu. Chủ trị các chứng tâm phúc thống, sau sinh đau do ứ huyết, đau kinh, các chứng xuất huyết như: lạc huyết, nục huyết, thổ huyết, niệu huyết, tiện huyết, băng lậu, chấn thương xuất huyết, chứng huyết lâm, tiểu đau, khó đi tiểu.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: "Chủ tâm phúc bàng quang hàn nhiệt, lợi tiểu tiện, chỉ huyết, tiêu ứ huyết. Uống lâu người khỏe nhẹ, khí lực tăng".
- Sách Dược tính bản thảo: "Thông kinh mạch, trị phụ nữ băng huyết không cầm, chủ lợi huyết, cầm máu cam, trị niệu huyết, lợi thủy đạo".
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: "Trị mụn lở ( sang tiết) tháo mủ ( bài nùng) trị phụ nữ đới hạ, kinh nguyệt không đều, huyết khí tâm phúc thống, đàn bà có mang trụy thai ra máu, huyết trưng, tiểu tiện không thông, trường phong tả huyết, du phong thũng độc, chảy máu mũi, thổ huyết, lợi sữa, cầm hoạt tinh, huyết lî, ... cần phá huyết tiêu phù thì dùng sống, cần bổ huyết, chỉ huyết thì sao lên.
Hình ảnh động mạch bị xơ vữa
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Tác dụng đối với hệ tim mạch: Thuốc có tác dụng tăng lưu lượng máu của động mạch vành, cải thiện chuyển hóa, có tác dụng giãn mạch, tăng lực co bóp của tim, cải thiện điện tâm đồ, làm giảm lực cản ngoại vi, làm chậm nhịp tim. Cồn chiết xuất Bồ hoàng đối với tim cô lập của cóc, với nồng độ thấp có tác dụng gia tăng sự co bóp tim, với nồng độ cao thì tác dụng ức chế. Trên mô hình gây nhồi máu cơ tim cấp ở thỏ, thuốc có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn, bảo vệ cơ tim, có thể hạn chế phạm vi nhồi máu cơ tim, chống sự ngưng tập tiểu cầu.
Tác dụng phòng trị xơ mỡ động mạch: Thuốc có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh rõ rệt, ức chế sự hấp thu Cholesterol ngoại lai của niêm mạc ruột, hạ thấp tỷ lệ bám của tiểu cầu, nâng cao lipoprotein mật độ cao. Thuốc làm cho tốc độ lưu thông máu tăng nhanh, lượng máu động mạch vành tăng, chuyển hóa tăng, nhờ đó mà thuốc có thể phòng trị chứng xơ mỡ động mạch. Có báo cáo cho rằng những tác dụng trên là do bột phấn Bồ hoàng, còn cao lỏng không có những tác dụng trên.
Tác dụng hạ áp: Nước sắc, cồn chiết xuất Bồ hoàng đều có tác dụng làm cho huyết áp của mèo, chó, thỏ hạ và nhịp tim chậm. Chích vào ổ bụng chó cũng có tác dụng hạ áp, nhưng liều lượng điều trị thường dùng thì không có tác dụng hạ áp.
Tác dụng kháng viêm: Trên thực nghiệm chích nước sắc Bồ hoàng vào ổ bụng và đắp thuốc vào chân chuột trắng được gây bỏng và gây viêm khớp háng bằng protein huyết thanh, chứng minh thuốc có tác dụng tiêu phù do thuốc có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn cục bộ và giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch.
Tác dụng miễn dịch: Thuốc có tác dụng ức chế chức năng của tế bào miễn dịch cũng như thể dịch miễn dịch, thuốc làm teo rõ các cơ quan miễn dịch của chuột lớn, nhưng không ảnh hưởng đến tổng số bạch cầu ngoại vi vàkhả năng thực bào của tế bào bạch cầu đa nhân trung tính. Với liều trung bình thuốc có tác dụng ức chế khả năng thực bào của đại cự bào, liều nhỏ không ảnh hưởng nhưng liều cao lại có khả năng tăng cường rõ rệt. Thuốc có xu hướng làm tăng hàm lượng cAMP của lách và tuyến ức chuột.
Những tác dụng khác của Bồ hoàng: Như cồn chiết xuất Bồ hoàng chích tĩnh mạch có tác dụng lợi mật đối với chó gây mê. Trên lâm sàng còn quan sát thấy thuốc có tác dụng lợi tiểu và giảm cơn hen.
Ứng dụng lâm sàng:
1. Trị mạch vành: Dùng độc vị Bồ hoàng trị 66 ca bệnh động mạch vành, theo dõi 2 tháng, kết quả 89% bớt, hết đau thắt ngực, 48% điện tim được cải thiện, 58% huyết áp hạ, 60% cholesterol huyết thanh giảm, 94% triglycerit giảm rất tốt ( Viện nghiên cứu Trung y dược Hồ nam,1982, 9(3).6).
2. Trị chứng Lipid huyết cao: Dùng viên bọc đường Bồ hoàng, mỗi ngày uống tương đương 30g thuốc sống chia 3 lần trị 200 ca, so sánh kết quả trước và sau dùng thuốc, cholesterol và triglycerit giảm rất tốt ( Viện nghiên cứu Trung y dược Hồ nam, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1985, 5(3), 141).
3. Trị huyết áp cao: Sở nghiên cứu trung y dược tỉnh Hồ nam dùng Viên thư tâm (sinh Bồ hoàng, tây Đảng sâm, xuyên Hồng hoa, Khương hoàng phiến, Nga truật, Giáng hương) trị 400 ca, theo dõi kết quả thuốc có tác dụng hạ áp trên dưới 90% ( Hồ nam y dược tạp chí 1977,4:20).
Liều dùng: Dùng từ 3 - 9g
Kiêng kỵ: Âm hư, không bị ứ huyết không được dùng.
Nguyễn Trang