Về cơ bản, hầu hết các sinh hoạt của con người là dựa vào đôi chân nên chúng ta đứng nhiều. Tuy nhiên, với sự ra đời của Tivi, máy tính, và các công việc văn phòng, thời gian ngồi của chúng ta đã đạt mức cao nhất trong lịch sử: 9,3 tiếng mỗi ngày( nhiều hơn thời gian dành cho việc ngủ).Một nghiên cứu mới đây của Australia cho thấy, những người ngồi trên 6 giờ một ngày, khả năng chết sớm trong vòng 15 năm tăng lên 40% so với những người chỉ ngồi 3 tiếng cho dù có tập thể dục, thể thao, chế độ ăn uống tốt.
Tiến sĩ Galen Carantz, giáo sư thuộc Trường đại học Berkeley, Mỹ, giải thích: “Khung xương sống của cơ thể con người được cấu tạo không thích hợp cho việc ngồi quá lâu. Ngồi lâu sẽ làm tổn thương đến hoành cách mô ở ức, các bắp thịt hông và chân sẽ mỏi mệt”. Vậy cụ thể, ngồi lâu đang giết chúng ta bằng cách nào.
1. Bệnh tim mạch
Thói quen ngồi ít và vận động nhiều, bạn sẽ có một trái tim khỏe mạnh. Theo một nghiên cứu, những người ngồi nhiều, ít vận động sẽ gia tăng 90% nguy cơ mắc các bệnh về tim.
- Ngồi quá lâu không chỉ tăng nguy cơ bị các biến chứng sức khỏe, mà còn lấy đi những yếu tố tốt trong cơ thể bạn. Nhiều nghiên cứu cho thấy thấy lối sống thụ động làm giảm lượng cholesterol tốt (HDL). Trong khi người có nhiều HDL thì giảm được nguy cơ đứng tim và tai biến mạch máu não. Nếu HDL ít quá, sẽ gia tăng nguy cơ đứng tim và tai biến mạch máu não.
- Người béo phì, ngồi nhiều dễ bị cao huyết áp, đây là nguyên nhân dẫn tới các tai biến về tim mạch như: suy tim, tắc động mạch vành, ứ đọng tuần hoàn ngoại vi do chi dưới ngừng hoạt động…
Để phòng tránh, mỗi người cần tập thể dục một cách hợp lý sau mỗi giờ làm việc, có thể đứng dậy đi lại vươn vai hoặc ngồi thư giãn trên ghế, vuốt ngực, xoa bóp từ cẳng chân lên đùi. Ngồi trên ghế để hai chân sát xuống mặt đất, thân gấp với đùi một góc 135 độ và nhắm mắt thả lỏng người.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo mọi người nên ngồi ít hơn 3 tiếng mỗi ngày để có sức khỏe tốt và tăng thêm tuổi thọ. Do đó lời khuyên cho bạn là hãy cố gắng đứng dậy và nghỉ giải lao, hoặc gặp gỡ mọi người bằng cách đi dạo lòng vòng quanh khu phố, không nên ngồi quá lâu tại nơi làm việc hay Tóm lại, mọi người đều biết tập thể dục là tốt cho sức khỏe, nhưng không mấy ai dành nhiều thời gian trong ngày để luyện tập. Trong khi lối sống thụ động sẽ rút ngắn tuổi thọ của bạn thông qua việc làm gia tăng nguy cơ gây bệnh béo phì, tiểu đường, các vấn đề về tim, cũng như là giảm cholesterol tốt, gây suy giãn tĩnh mạch...
Ngồi nhiều, ít vận động sẽ gia tăng 90% nguy cơ mắc các bệnh về tim
2. Giãn tĩnh mạch chân:
Tư thế ngồi một chỗ lâu, ít vận động tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân. Suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Tuy nhiên biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, các cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Do đó hãy xem lại, nếu bạn thường xuyên ngồi từ 8 tiếng trở lên mỗi ngày thì bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh này đấy.
3. Bệnh xương khớp
Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống
Ở tư thế ngồi, trọng lượng của nửa người trên dồn về cột sống và điểm chịu áp lực lớn nhất là đốt sống thắt lưng, lưng, cổ. Vì thế, nhiều nhân viên văn phòng hay bị đau mỏi cơ vai gáy, thắt lưng, chuột rút ở các cơ vai gáy thậm chí đau đầu hoa mắt. Đặc biệt là khi vừa đánh máy vừa nghe điện thoại, điện thoại kẹp vào cổ và vai, hai tay đánh máy là một tư thế cực kỳ bất lợi, dễ gây hiện tượng đau vai gáy.
Bên cạnh đó, khi vùng đốt sống bị tỳ đè nhiều sẽ làm tăng áp lực, đẩy lồi các đĩa đệm ra làm tổ chức đệm phù nề, lâu ngày gây xơ hóa, chèn ép các rễ thần kinh dẫn đến đau thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa: thường đau một bên, lan từ mông xuống kheo, xuống cẳng chân.
Tập thể dục thể thao hợp lý là một cách hiệu quả phòng bệnh. Những người bị thoát vị đĩa đệm nên chọn bơi lội là hợp lý nhất. Bệnh ở mức độ nhẹ thì điều trị bằng thuốc giảm đau, kết hợp vật lý trị liệu. Nặng thì phải mổ để giải phóng chèn ép.
Bệnh gout
Gặp nhiều ở nam hơn nữ, người bệnh thấy đau nhức nhiều khi nghỉ ngơi, đau tăng khi hoạt động. Nguyên nhân là do tăng axít uric trong máu, axít này thường bị lắng đọng ở ngón cái, ngón út và gót.
Đề phòng bệnh cần ăn kiêng các loại thịt đỏ, thịt chó, lòng lợn tiết canh cộng với rượu bia. Đồng thời uống nhiều nước và tập vận động hợp lý để cơ thể thanh lọc tốt.
Loãng xương
Loãng xương là hội chứng xương yếu, giòn và dễ gãy dù chỉ bị ngã hoặc va quệt nhẹ. Nguyên do xương bị mất khoáng chất, nhất là canxi. Thực tế, do ngồi nhiều và ít vận động, xương mất vôi, xương giòn dễ gãy, dẫn tới thoái hóa xương, thoái hóa cột sống thường gặp nhất.
Xương bắt đầu suy giảm mật độ khi bước vào độ tuổi 35. Khi đó, nếu không có chế độ dinh dưỡng phù hợp để bổ sung canxi cần thiết và có những biện pháp phòng ngừa thích hợp khác, lượng canxi dự trữ trong xương sẽ suy giảm dần, dẫn tới tình trạng mất xương và gây ra loãng xương sau đó. Khi đã bị loãng xương thì nguy cơ gãy xương hoàn toàn có thể xảy ra.
4. Bệnh hệ tiêu hóa
Ngồi nhiều sẽ dẫn tới giảm nhu động và tiết dịch của hệ tiêu hóa như: dạ dày, ruột. Vì thế, thức ăn vào hệ tiêu hóa không được lên men và hấp thụ hết sẽ tích tụ lại làm dạ dày ruột chướng hơi, đầy bụng. Từ đó, khiến nhiều người ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc thậm chí mất ngủ và hay táo bón hoặc ỉa chảy do viêm dạ dày ruột, viêm tụy, sa trực tràng…
Bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống cân đối và hợp lý. Thành phần thức ăn trong bữa phải có đủ các chất: đạm, đường, mỡ, phải có chất xơ để chống táo bón. Hạn chế dùng các chất kích thích như chua, cay, dấm, ớt, hạn chế rượu bia và các nước có ga.
Người béo phì ngồi nhiều có nguy cơ cao bị tăng huyết áp
5. Bệnh hệ tiết niệu
Nhân viên văn phòng ngồi nhiều nước tiểu lắng đọng do ít vận động. Vì thế, viêm nhiêm đường tiết niệu sinh dục hoặc sỏi đường tiết niệu ở nhân viên văn phòng là bệnh hay gặp. Trong khi đó, viêm nhiễm là tiền đề của việc sinh sỏi.
Vì thế để phòng bệnh, cần thường xuyên vệ sinh đường tiết niệu sinh dục, uống nhiều nước, chọn môn thể dục thích hợp để luyện tập thường xuyên. Khi có viêm nhiễm hoặc có sỏi thì phải đến bác sĩ chuyên khoa để chọn phương pháp điều trị thích hợp
6. Bệnh về mắt
Ngồi lâu trước màn hình vi tính dễ mỏi mắt, dẫn tới khô mắt, chảy nước mắt. Trong văn phòng đèn quá sáng gây chói mắt, ngược lại đèn không đủ ánh sáng gây giảm thị lực nhanh chóng
Khi mỏi mắt hoặc khô mắt thì bạn nên nhắm mắt thư giãn tại chỗ 10-25 phút, nhỏ thuốc khi bị khô mắt hoặc nước mắt nhân tạo. Ngoài ra, cần ngồi đúng tư thế và mắt luôn cách màn hình 50cm.
Còn chần chờ gì nữa, hãy đứng lên vì sức khỏe của bạn!