Chào bạn,
Đau ngực có thể là biểu hiện của bệnh mạch vành, tuy nhiên thông tin bạn chia sẻ chưa đủ để loại trừ một số nguyên nhân bệnh lý tim mạch khác cũng gây đau ngực, chẳng hạn như:- Viêm cơ tim: ngoài đau ngực còn xuất hiện sốt, mệt mỏi, tim đập nhanh.
- Viêm màng ngoài tim: do tình trạng viêm nhiễm màng ngoài bao quanh tim. Cơn đau thường rất rõ nét, các triệu chứng kèm theo bao gồm khó thở, sốt nhẹ, ho khan, chướng bụng hay phù chân. Đau nặng hơn khi bạn thở, nuốt hoặc nằm ngửa.
- Phì đại cơ tim: cơ tim trở nên dày bất thường, thể tích buồng tim thu hẹp lại khiến tim phải làm việc nhiều hơn để co bóp tống máu theo nhu cầu của cơ thể. Cơn đau thường ở mức độ nhẹ, kèm theo, chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu... thường chỉ xảy ra khi thực hiện các hoạt động gắng sức.
- Sa van 2 lá: khiến van 2 lá không thể đóng đúng cách. Các triệu chứng có thể gặp là đau ngực không quá dữ dội, đánh trống ngực khó thở đặc biệt là khi nằm và kịch phát về đêm.
- Bóc tách động mạch chủ: Một vết rách trong động mạch chủ có thể gây ra một cơn đau rất dữ dội, người bệnh thường quằn quại vì đau đớn. Đau có thể lan lên cổ, lưng hoặc bụng…
- Nhồi máu cơ tim: Cơn đau thường dữ dội, kéo dài, uống thuốc giãn mạch hay nghỉ ngơi không làm cơn đau giảm đi.
Còn đối với bệnh mạch vành, người bệnh thường mô tả cảm giác đau giống như trái tim bị bó chặt, đè nặng. Cơn đau thường xảy ra sau khi thực hiện các hoạt động gắng sức, những trường hợp nặng hơn đau có thể xảy ra ngay cả khi nghỉ nghỉ, khi ngủ.
Tốt nhất, bạn cần đi khám tại chuyên khoa tim mạch của các bệnh viện uy tín. Sau khi khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng và các xét nghiệm cần thiết các bác sĩ sẽ cho bạn biết chính xác nguyên nhân gây đau ngực và có hướng điều trị thích hợp.
Bên cạnh tuân thủ điều trị của bác sĩ, bạn cũng cần phải thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục thường xuyên. Điều này hoàn toàn có lợi để cải thiện bất cứ bệnh lý tim mạch nào.
Chúc bạn luôn khỏe mạnh!