Sơn tra, còn gọi là quả Táo Mèo, cây gan hay Sán-sà (Tày), Co-sam-sa (Thái). Sơn tra thuộc nhóm Crataegus, họ thực vật Rosaceae với khoảng 280 giống. Phát xuất trong vùng khí hậu ôn hòa Bắc bán cầu, tập trung tại Ðông Á, châu Âu và Ðông bắc Mỹ. Từ hàng chục thế kỷ qua tại Ðông và Tây phương, người ta đã dùng sơn tra làm thực phẩm và làm thuốc. Hiện nay sơn tra (Hawthorn) đang được sử dụng rộng rãi tại Pháp, Anh, Ðức, Nga và các nước châu Âu khác để làm thuốc trị bệnh tim mạch, còn ở Trung Hoa và nước ta thì được dùng làm thuốc chữa các chứng về đường tiêu hóa.

Các loại Sơn Tra (CRATAEGUS)

Có một số khác biệt nhỏ giữa các loại sơn tra dùng làm thuốc trong Ðông và Tây y: 1. Crataegus pinnafidata: Còn được gọi là Bắc sơn tra. Cây thuộc loài thảo cao khoảng 6m, cành nhỏ có gai. Lá dài 5-10cm, rộng 4-7cm, mép có răng cưa, chia thành 3-5 thùy; Cuống lá cỡ 2-6cm. Hoa có cánh màu trắng họp thành tán. Quả tròn, đường kính 1-2cm, khi chín màu đỏ thắm. 2. Crataegus cuneate: Còn gọi là Sơn tra hoang, Nam sơn tra. Cây cao đến 14m, có gai. Lá có 3-7 thùy, dài 2-6cm, rộng 1-5cm. Hoa mọc thành tán màu trắng. Quả tròn 1-2,5cm, khi chín màu vàng hay đỏ. 3. Crataegus laevigata (oxyacantha): Cây nhỏ có khi mọc thành bụi, cành có gai. Cao khoảng 7,5m. Lá mọc đối, xẻ thùy không sâu. Hoa màu trắng hồng, mọc thành tán. Quả dạng thon màu đỏ, có 2 đến 3 hạt. Ðây là cây chính được dùng làm dược liệu. 4. Crataegus monogyna: Thường trồng để lấy quả. Lá xẻ 3 thùy rõ rệt màu xanh đậm, mép lá có răng rõ nơi đỉnh. Hoa trắng có mùi thơm, trổ vào tháng 5-6. Quả đỏ chỉ có 1 hạt.

son-tra-mang-lai-nhieu-cong-dung-huu-ich-cho-nguoi-benh-tim-mach.jpg

Sơn Tra mang lại nhiều công dụng hữu ích cho người bệnh tim mạch

Thành phần hóa học

Lá, hoa, vỏ cây và quả chứa một số hoạt chất chính thuộc nhóm Flavonoids như hyperoside và vitexin-rhamnoside; leucoanthocyanidins và lactone. Sơn tra có chứa: * 1-3% procyanidins loại oligomeric. Thành phần thay đổi tùy loài và tùy bộ phận của cây. Trong C.monogyna và C. laevigata: búp hoa chứa nhiều flavonoid và hyperoside hơn, trong lá cũng có nhiều flavonoid; lá non chứa nhiều vitexin 2-rhamnoside. * Những hoạt chất khác: Amines (có loại có hoạt tính với tim) catecholamins (catechin, epicatechin), các acid phenol carboxylic (như chlorogenic acid, caffeic acid), sterols (beta-sitosterol) và purines.

Sơn Tra trong Y học Phương tây

Sơn tra được dùng khá phổ biến tại các nước châu Âu, nhất là ở các nước Ðông Âu như Nga, Ba Lan, Hungari. Tại các nước Tây Âu như Ðức, Anh, Thụy Sĩ, Pháp, sơn tra (Hawthorn) được dùng làm thuốc chữa bệnh tim mạch. Chất chiết xuất từ Hawthorn có mặt trong hơn 100 đặc chế dùng trị bệnh tim mạch như Crataegutt, Eurython, Esbericard, Cratamed... Ðặc tính dược lực học Do có tác dụng khá mạnh trên cơ tim, nên sơn tra đã được sử dụng trong các trường hợp suy tim và giúp tăng hoạt động của cơ tim. Các amines của cây có tác dụng bổ tim. Còn các flavonoids gây sự gia tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, làm tăng nhịp tim,?ngoài ra có tác động làm giãn mạch, nhất là mạch vành. Sơn tra có tác dụng tốt trong các trường hợp nghẽn mạch máu tim.

Chất flavonoid monoacetyl-vitexin-rhamnoside có đặc tính chống nghẽn mạch rõ rệt khi thử nghiệm trên thú vật (in vitro), ghi nhận khả năng cải thiện máu qua cơ tim. Sơn tra cũng giúp cải thiện việc đưa oxygen về tế bào cơ tim (thử nghiệm trên chó). Trong các trường hợp xơ vữa động mạch (Atherosclerosis), sơn tra cho thấy có tác dụng phòng ngừa và chữa trị khá tốt. Thử nghiệm trên thú vật cho thấy khả năng làm hạ cholesterol, triglycerides, độ nhầy của máu và fibrinogen. Thuốc rượu sơn tra giúp tăng bài tiết acid mật và làm giảm tổng hợp cholesterol ở chuột.

Công dụng Sơn tra được chỉ định trong các trường hợp: Suy tim độ I và II, đau thắt ngực, tim người cao niên, nhịp tim chậm. Liều tối thiểu mỗi ngày là 5mg flavones (tính theo Hyperoside) hay 10mg flavonoids (tính theo lượng phenols), hay 5mg procyanidins oligomeric (tính theo epicatechin). Có thể tự pha chế trà dược như sau: Khuấy 1 thìa cà phê bột lá và hoa trong 150ml nước đun sôi; Ðể ngâm trong 20 phút, gạn lấy nước, chia thành 1-3 lần uống trong ngày để chữa trị chứng tức ngực.  

Sơn Tra trong Y học cổ truyền

Dược học cổ truyền Trung Hoa đã dùng quả sơn tra (Shan zha) làm thuốc từ hàng ngàn năm và phân chia vị thuốc thành Bắc sơn tra (C. pinnatifida). Thu hái tại các tỉnh phía Bắc Trung Hoa như Sơn Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc. Trái lại Nam sơn tra (C.cuenata) được thu hái tại Quảng Ðông và Quảng Tây. Theo Ðông dược, sơn tra (quả) có vị chua/ngọt, tính ấm nhẹ, tác dụng vào các kinh mạch thuộc can, tỳ và vị... Sơn tra có các công dụng sau:

- Chữa trị chứng đầy bụng ăn không tiêu, đau bụng, tiêu chảy.

- Ðau bụng do ứ huyết sau khi sinh.

- Chữa cao huyết áp.  

Bs Nguyễn Văn Thông