Bệnh mạch vành được biết đến là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, kẻ giết người thầm lặng này đã lấy đi sinh mạng của hơn 8 triệu người (năm 2013) và con số này đang tiếp tục gia tăng. Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này, sự ra đời của nhiều nhóm thuốc điều trị giúp cho các bác sĩ có nhiều lựa chọn hơn trong việc phòng ngừa và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Tùy theo từng trường hợp khác nhau, phác đồ điều trị bệnh có thể thay đổi đôi chút, nhưng cơ bản vẫn gồm một số các nhóm thuốc điều trị dưới đây.

Giảm cơn đau thắt ngực cho người bệnh mạch vành với nhóm thuốc nitrat

Ra đời đã hơn 100 năm nay, nhưng các thuốc nitrat vẫn giữ vị trí đầu bảng trong phác đồ điều trị đau thắt ngực. Các thuốc này hoạt động theo cơ chế giải phóng NO (oxid nitric) có hoạt tính giãn mạch, đặc biệt là khả năng tăng lưu lượng mạch vành nhanh chóng được ứng dụng để kiểm soát các cơn đau thắt ngực hiệu quả.

Các nitrat có khả năng được hấp thu theo nhiều con đường khác nhau. Do đó, bạn có thể gặp chúng dưới dạng viên ngậm dưới lưỡi, xịt dưới lưỡi, viên nén, thuốc mỡ, miếng dán, dịch truyền… với các tên gọi như nitroglycerin, isosorbide dinitrate, và isosorbide mononitrate…

Người bệnh mạch vành có thể sử dụng các nitrat với nhiều dạng bào chế khác nhau

Người bệnh mạch vành có thể sử dụng các nitrat với nhiều dạng bào chế khác nhau

Tác dụng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc nitrat bao gồm: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, hạ huyết áp quá mức… Không sử dụng phối hợp nhóm này cùng với các thuốc rối loạn cương như sildenafil (Viagra), vardenafil (Levitra) và tadalafil (Cialis) vì có thể tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ. Việc dừng sử dụng các nitrat phải được tiến hành từ từ, ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra các cơn đau thắt ngực.

Thuốc ngăn ngừa cục máu đông (huyết khối) trong bệnh mạch vành

Cục máu đông là hậu quả của sự nứt vỡ mảng xơ vữa trong bệnh mạch vành. Do đó thuốc ngăn ngừa cục máu đông là cần thiết cho mọi giai đoạn của bệnh. Bên cạnh những lợi ích đó, những thuốc này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây chảy máu quá mức. Các đại diện điển hình của nhóm này gồm có:

Thuốc ức chế kết tập tiểu cầu (tiêu fibrin)

Aspirin: Liều thấp aspirin (75 – 81 mg) mỗi ngày là lựa chọn đầu tiên để phòng ngừa bệnh mạch vành ở những đối tượng có nguy cơ cao. Tuy nhiên sử dụng kéo dài hoặc với liều cao hơn 2g lại làm tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn và các yếu tố nguy cơ khác như máu khó đông, tiền sử viêm loét đường tiêu hóa… trước khi đưa aspirin vào phác đồ điều trị.

Clopidogrel (Plavix): Clopidogrel (Plavix) thường được chỉ định cho người bệnh sau phẫu thuật đặt stent, bắc cầu động mạch vành, tuy nhiên không nên dùng ít nhất 5 - 7 ngày trước khi phẫu thuật vì nguy cơ chảy máu sẽ tăng lên đáng kể.

Clopidogrel (Plavix) được xem như lựa chọn thay thế trong các trường hợp dị ứng hoặc dung nạp kém với aspirin. Nhưng việc phối hợp thuốc này với aspirin không được khuyến khích bởi không hề mang lại lợi ích đáng kể, mặt khác, lại gia tăng chi phí và nguy cơ chảy máu cho người bệnh.

Clopidogrel (Plavix) là thuốc thường được chỉ định sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Clopidogrel (Plavix) là thuốc thường được chỉ định sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Thuốc chống đông máu Warfarin

Warfarin (Coumadin) là một thuốc chống đông đường uống có khả năng ngăn ngừa cục máu đông bằng cách ức chế vitamin K.

Thuốc chẹn beta cho người bệnh mạch vành

Các thuốc chẹn beta phổ biến trên thị trường hiện nay gồm có acebutolol (Sectral), atenolol (Tenormin)… Nhờ khả năng làm giảm nhịp tim, hạ huyết áp, thuốc đã góp mặt trong rất nhiều phác đồ điều trị như dự phòng cơn đau thắt ngực cho người bệnh mạch vành, điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim…

Các thuốc chẹn beta có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, thờ ơ, ảo giác, trầm cảm, mất trí nhớ… Khi gặp những dấu hiệu này, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị, tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc đột ngột vì có thể khiến cho tình trạng bệnh của bạn trở nên tồi tệ hơn. Một chế độ giảm liều từ từ trước khi ngừng thuốc hoàn toàn là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho bạn.

Thuốc ức chế men chuyển – phòng ngừa đột quỵ trong bệnh mạch vành

Các thuốc nhóm này có khả năng giãn mạch, hạ áp hiệu quả nhờ khả năng ức chế sản xuất angiotensin II – một chất gây co mạch. Do đó, thuốc được chỉ định để phòng ngừa nguy cơ đau tim, đột quỵ cho người bệnh mạch vành và các biến chứng tim mạch cho người bệnh tiểu đường.

Bạn có thể dễ dàng nhận diện các “thành viên” trong nhóm thuốc này bởi tên của chúng đều kết thúc bằng đuôi “pril”  như captopril (Capoten), enalapril (Renitec), perindopril (Coversyl)…

Các thuốc nhóm này đều gây ra một tác dụng phụ khá phổ biến là gây ho khan, tuy nhiên chỉ có một tỷ lệ nhỏ người bệnh ho nhiều tới mức phải ngừng thuốc. Ngoài ra thuốc cũng gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác như hạ áp quá mức, dị ứng, tăng kali máu…

Thuốc hạ áp chẹn kênh canxi trong điều trị bệnh mạch vành

Các thuốc chẹn kênh canxi hoạt động bằng cách giảm nồng độ canxi nội bào - yếu tố kích hoạt co mạch. Nhờ đó, thuốc có tác dụng làm giảm nhịp tim, giãn mạch vành và giảm nhu cầu của oxy của cơ tim, hạ áp. Thuốc được bào chế dưới dạng:

- Giải phóng kéo dài: nifedipine (Adalat, Procardia), amlodipine (Amlor) và nicardipin (Cardene)… có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp cùng với các thuốc chẹn beta.

- Giải phóng nhanh: bao gồm các viên giải phóng nhanh của verapamil, diltiazem, nifedipine, và nicardipin… được chỉ định trong điều trị đau thắt ngực thể co thắt mạch vành (Prinzmetal).

Các tác dụng phụ chung đáng chú ý của nhóm chẹn kênh canxi bao gồm buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi… Trường hợp quá liều, có thể gây hạ áp quá mức, nhịp tim chậm… Bạn không nên sử dụng bưởi và những trái cây cùng họ cùng với các thuốc chẹn canxi, bởi chúng có thể gia tăng nguy cơ ngộ độc do quá liều.

Các thuốc khác trong điều trị bệnh mạch vành

Ranolazine (Ranexa) được sử dụng để điều trị đau thắt ngực mạn tính không đáp ứng với thuốc đau thắt ngực khác. Để nâng cao hiệu quả điều trị, Ranolazine thường được kết hợp với nhóm chẹn kênh canxi, chẹn beta, hay các nitrat.

Thảo dược dùng trong bệnh mạch vành

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự tấn công của các gốc tự do gây kích hoạt phản ứng viêm nội mô mạch máu, cùng với sự gia tăng nồng độ cholesterol là nguyên nhân gây ra mảng xơ vữa trong bệnh mạch vành. Do đó, việc sử dụng các thảo dược có hoạt tính chống viêm, chống oxy hóa như Đỏ ngọn, Bồ hoàng kết hợp cùng Hoàng bá chứa hoạt chất Berberin có khả năng tăng sức bền thành mạch và giảm cholesterol máu là hướng đi mới trong điều trị bệnh mạch vành.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn một hay nhiều loại thuốc phù hợp với tình trạng của bạn. Bên cạnh việc tuân thủ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng đừng quên một phương pháp đầu tiên cho tất cả bệnh động mạch vành dù nặng hay nhẹ, đó là thay đổi lối sống như ăn kiêng, tập thể dục, và bỏ hút thuốc. Đây là một cuộc chiến lâu dài, do đó bạn cần lên kế hoạch và nghiêm túc thực hiện để chống lại căn bệnh này.

Lê Lương

Tham khảo:

http://www.nytimes.com/health/guides/disease/atherosclerosis/medications.html

https://en.wikipedia.org/wiki/Coronary_artery_disease

https://www.drugs.com/