Tăng huyết áp dẫn đến các biến chứng ở não, tim và thận thông qua 2 cơ chế, cả hai cơ chế này đều do ảnh hưởng của tăng áp lực trong động mạch. Thứ nhất là do ảnh hưởng của áp lực máu cao trên cấu trúc và chức năng của tim và mạch máu; thứ hai là do sự tiến triển của xơ vữa động mạch.

Cơ chế đầu tiên là do hậu quả trực tiếp của huyết áp, trong khi cơ chế thứ hai là do sự tương tác với các yếu tố nguy cơ khác để gây ra các bệnh tim mạch, quan trọng nhất là tăng cholesterol máu. Do vậy, đột qụy liên quan chặt chẽ với các ảnh hưởng trực tiếp của huyết áp, trong khi bệnh động mạch vành liên quan với vữa xơ động mạch. Sự liên quan giữa huyết áp với biến cố đột qụy chặt chẽ hơn là với biến cố động mạch vành.

Biến chứng bệnh động mạch vành

Phân tích tổng hợp 61 nghiên cứu cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương với nguy cơ bị biến cố động mạch vành ở 5 nhóm tuổi từ 40-49, 50-59, 60-69, 70-79, 80-89. Nghiên cứu cho thấy cứ tăng mỗi 20mmHg huyết áp tâm thu (khi huyết áp tâm thu thay đổi từ 115-180mmHg) và/hoặc tăng mỗi 10mmHg huyết áp tâm trương (khi huyết áp tâm trương tăng từ 75-100mmHg) thì tăng gấp 2 lần nguy cơ. Có sự tương tác giữa các yếu tố nguy cơ với nhau, do vậy mối liên quan giữa huyết áp tâm thu và nguy cơ bệnh động mạch vành càng chặt chẽ hơn ở bệnh nhân có cholesterol máu cao hơn là các bệnh nhân có cholesterol máu bình thường. Mặc dù đã xác định rõ ràng rằng huyết áp là một trong 3 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh động mạch vành (2 yếu tố nguy cơ kia là cholesterol máu cao và hút thuốc lá), nhưng người ta thấy biến chứng bệnh động mạch vành thường xuất hiện ở các bệnh nhân không có đầy đủ cả 3 yếu tố nguy cơ này.

Biến chứng suy tim

Suy tim hiện nay là nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện của các bệnh nhân trên 65 tuổi, và không giống như các biến chứng khác của tăng huyết áp, tỷ lệ bị suy tim đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Với phụ nữ và nam giới khoảng 40 tuổi, nguy cơ bị suy tim khoảng 20% trong những năm còn lại của cuộc đời, một con số cao đáng ngạc nhiên. Nếu đối tượng có mắc bệnh động mạch vành được loại trừ thì tỷ lệ này là 11% ở nam giới và 15% ở nữ giới. Huyết áp là yếu tố ảnh hưởng chủ yếu. Nguy cơ tăng gấp 2 lần ở nam giới và gấp 3 lần ở nữ giới có tăng huyết áp so với những người có huyết áp bình thường. 90% số trường hợp mới bị suy tim có tiền sử bị tăng huyết áp. Nguy cơ này có liên quan chặt chẽ với chỉ số huyết áp tâm thu hơn là huyết áp tâm trương. Điều trị bệnh tăng huyết áp ở người lớn tuổi sẽ làm giảm tỷ lệ bị suy tim khoảng 50%.

bien-chung-tim-mach-do-tang-huyet-ap.jpg

Biến chứng tim mạch do tăng huyết áp

best generic ambien online no prescription

Trong khoảng 10 năm gần đây, có khoảng gần ½ số bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của suy tim nhưng chức năng tâm thu thất trái bình thường (EF > 50%) trên siêu âm tim. Những người này bị suy chức năng tâm trương của tim. Suy tim tâm trương chiếm khoảng 74% các trường hợp bị suy tim trong số các bệnh nhân tăng huyết áp. Nguyên nhân của suy tim tâm trương là do sự thay đổi ở trong tim. Những thay đổi tiên phát trong tăng huyết áp xuất hiện ở động mạch ngoại biên. Bệnh nhân tăng huyết áp xuất hiện phì đại thất trái và suy tim là bởi vì tăng áp lực mạch gây tăng gánh nặng cho tim hay tăng hậu tải. Vì sao điều này không áp dụng được cho suy tim tâm trương? Bệnh nhân suy tim tâm trương có động mạch chủ cứng hơn bệnh nhân bình thường, do vậy làm tăng nhanh phản hồi sóng mạch từ ngoại biên, kết hợp với tăng áp lực tâm thu động mạch chủ trung tâm và giảm áp lực tâm trương. Yếu tố thứ hai sẽ dẫn đến giảm tưới máu động mạch vành trong thời kỳ tâm trương và do vậy làm ảnh hưởng đến sự thư giãn của cơ tim.

Phình động mạch chủ bụng

Tỷ lệ bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng ngày càng tăng lên do số người già có mang các yếu tố nguy cơ tim mạch từ thời trung niên ngày càng tăng. Tăng huyết áp là một trong các yếu tố nguy cơ chính gây phình động mạch chủ bụng. Có sự liên quan giữa chỉ số huyết áp và tỷ lệ mắc phình động mạch chủ bụng: khoảng 3% những người tăng huyết áp nhẹ có tuổi từ 60-75 bị bị phình động mạch chủ bụng trong khi tỷ lệ này là 11% ở những người có huyết áp tâm thu >195mmHg. Do vậy, siêu âm động mạch chủ cần thực hiện cho các bệnh nhân nam giới trên 65 tuổi có tăng huyết áp, hút thuốc lá. Phình động mạch chủ có đường kính lớn hơn 5cm thì cần can thiệp sửa chữa.

Phình tách động mạch chủ

Có tới 80% bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ có tăng huyết áp. Cơ chế gây phình tách động mạch chủ bao gồm kết hợp cả tác động của sóng mạch tăng và tiến triển của vữa xơ động mạch. Huyết áp càng tăng thì bệnh nhân có nguy cơ bị phình tách động mạch chủ càng cao.
Phình tách động mạch chủ có thể bị ở động mạch chủ lên (đoạn gần hay týp A), loại này cần phải phẫu thuật, hay động mạch chủ xuống (đoạn xa hay týp B), loại này thường chỉ cần điều trị nội khoa. Tăng huyết áp là nguyên nhân thường gặp nhất gây phình tách động mạch chủ đoạn xa.

Bệnh mạch máu ngoại biên

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch máu ngoại biên. Điều này rất quan trọng vì hai lý do: thứ nhất nó gây ra các triệu chứng đau cách hồi, thứ hai nó là yếu tố nguy cơ cao của các biến cố tim mạch. Một thông số được chấp nhận là chỉ số áp lực cổ chân - cánh tay (ABI) < 0,9. Chỉ số này liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ của bệnh vữa xơ động mạch như huyết áp, hút thuốc lá, cholesterol máu, đái tháo đường và một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là tuổi tác. Một nghiên cứu cho thấy yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là tuổi tác, sau đó là huyết áp và hút thuốc lá. Chỉ số ABI dự báo đột qụy chính xác hơn bệnh động mạch vành. Việc phát hiện bệnh mạch máu ngoại biên nhắc nhở chúng ta cần phải tìm các bệnh vữa xơ động mạch ở các bộ phận khác, ví dụ như có tới 60% bệnh nhân có bị vữa xơ nặng động mạch vành, bệnh mạch máu não, hay cả hai. Trong khi đó có tới 40% bệnh nhân bị bệnh động mạch vành hay bệnh mạch máu não có bệnh mạch máu ngoại biên.

Tai biến mạch máu não

Đột qụy là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nước ta (sau bệnh động mạch vành) cũng như trên toàn thế giới, là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu hụt thần kinh vĩnh viễn ở người trưởng thành và là nguyên nhân quan trọng nhất làm bệnh nhân phải nhập viện cũng như cần phải chăm sóc lâu dài tại nhà. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây đột qụy. Khoảng 50% trường hợp đột qụy là do tăng huyết áp, huyết áp càng tăng thì nguy cơ bị đột qụy càng cao. Người bị tăng huyết áp có nguy cơ bị đột qụy cao gấp 3-4 lần so với người có huyết áp bình thường, ngay cả những người có chỉ số huyết áp ở giới hạn cao của bình thường 130/86mmHg cũng có nguy cơ bị đột qụy tăng gấp 1,5 lần.
Gần 80% người bị tăng huyết áp bị đột qụy là do thiếu máu não, do huyết khối tại chỗ gây tắc mạch hay huyết khối từ nơi khác trôi đến gây thuyên tắc mạch. 15% chảy máu trong não và 5% chảy máu dưới màng nhện. Thiếu máu não thoáng qua (TIA) do sự cung cấp máu không đầy đủ gây thiếu hụt thần kinh trong vòng 24 giờ thường do thuyên tắc mạch do các mảng xơ vữa bong ra từ động mạch cảnh hay cục máu đông gây thuyên tắc có nguồn gốc từ tim. Những người này có nguy cơ cao bị đột qụy thực sự.
Người ta thấy rằng các cơn đột qụy thường xảy ra vào lúc sáng sớm, vài giờ sau khi ngủ dậy, khi mà huyết áp đột ngột tăng cao. Mặt khác, những người tăng huyết áp đang được điều trị có huyết áp hạ xuống khi ngủ cũng rất dễ bị nguy hiểm. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc hạ huyết áp trong giai đoạn cấp của đột qụy để tránh làm giảm huyết áp quá nhiều gây tổn thương não trầm trọng hơn. Ngược lại, điều trị tăng huyết áp lâu dài là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa và tránh tái phát đột qụy.

Hoàng Nam