Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van tim nằm giữa động mạch chủ và tâm thất trái (buồng tim dưới, bên trái) không thể mở rộng bình thường, cản trở máu từ tim đi nuôi cơ thể. Do đó, tim phải đập nhanh hơn, mạnh hơn mới có thể đủ máu bơm đi phục vụ nhu cầu của cơ thể.

Hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến suy tim do trái tim phải hoạt động quá sức trong một thời gian dài. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ khiến người bệnh mắc phải một loạt các biến chứng tim mạch nguy hiểm.

Triệu chứng hẹp van động mạch chủ

Bệnh hẹp van động mạch chủ ban đầu thường không có triệu chứng nào, sau đó xuất hiện dần các triệu chứng nặng nề tương ứng với mức độ tiến triển của bệnh.

Các triệu chứng của bệnh hẹp van động mạch chủ bao gồm:

- Đau tức ngực, đau thắt ngực

- Cảm giác choáng váng, ngất xỉu khi gắng sức

- Khó thở, đặc biệt là khi vận động nhiều

- Mệt mỏi

- Nhịp tim nhanh, cảm giác tim rung lên trong lồng ngực

Hẹp van động mạch chủ có thể làm suy giảm chức năng tim, dần dần gây ra suy tim với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, phù nề ở chân, bàn chân….

Sẽ là rất khó để phát hiện bệnh hẹp van động mạch phổi ở giai đoạn sớm, chưa có triệu chứng điển hình. Người bệnh thường chỉ được phát hiện khi tình cờ kiểm tra sức khỏe tim mạch với tiếng thổi tim hoặc phát hiện ở giai đoạn nặng với các triệu chứng suy tim điển hình.

Hẹp van động mạch chủ làm cản trở dòng máu từ tim đi nuôi cơ thể

Hẹp van động mạch chủ làm cản trở dòng máu từ tim đi nuôi cơ thể

Nguyên nhân gây hẹp van động mạch chủ

Những nguyên nhân thường gặp gây hẹp van động mạch chủ là:

Dị tật tim bẩm sinh: khiến van động mạch chủ có ba lá van bị biến dạng, hình thành hai lá van hoặc 4 lá khiến van động mạch chủ bị hẹp.

Vôi hóa van động mạch chủ: Canxi tích tụ trên van tim, làm van tim trở nên dày và cứng gây khó khăn khi mở ra. Thường gặp ở tuổi 65 trở lên ở nam giới và 75 trở lên ở nữ giới.

Thấp khớp: là biến chứng của viêm họng. Sốt thấp khớp gây tổn thương, hình thành các vết sẹo trên van động mạch chủ. Mô sẹo cũng chính là điểm bám của canxi lên van động mạch chủ gây hẹp van.

Các yếu tố rủi ro của bệnh hẹp van động mạch chủ

Van động mạch chủ biến dạng: Chỉ cần một trong ba lá van động mạch chủ biến dạng sẽ ảnh hưởng đến độ mở của 2 lá van còn lại. Tình trạng này hiếm khi xảy ra và thường chỉ xuất hiện ở trẻ sơ sinh.

Tuổi cao: tuổi càng cao, nguy cơ mắc hẹp van động mạch chủ càng tăng.

Sốt thấp khớp: có thể gây viêm van tim, gây sẹo, xơ cứng van tim.

Bệnh thận mãn tính: có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh hẹp van động mạch chủ.

Các yếu tố nguy cơ khác của căn bệnh này tương tự như bệnh xơ vữa động mạch, bao gồm: Tăng huyết áp, cholesterol máu cao, bệnh đái tháo đường type 2, hút thuốc lá…

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây hẹp van động mạch chủ

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây hẹp van động mạch chủ

Biến chứng bệnh hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến hai biến chứng nguy hiểm nhất là suy tim và nhồi máu cơ tim.

Do hẹp van động mạch chủ nên tâm thất trái của tim luôn phải làm việc gắng sức mới có thể đẩy máu đi qua van bị hẹp. Qua thời gian dài, các tế bào cơ tim bị giãn nở, trở nên yếu ớt làm suy giảm chức năng tim, gây suy tim.

Hẹp van động mạch chủ cũng có thể gây ra cơn nhồi máu cơ tim nguy hiểm với các triệu chứng đau thắt ngực, ngất xỉu, rối loạn nhịp tim, buồn nôn, vã mồ hôi lạnh…

Chẩn đoán bệnh hẹp van động mạch chủ

Khi có triệu chứng, bạn sẽ được bác sỹ tiến hành chẩn đoán. Đầu tiên, bác sỹ sẽ nghe tim phổi để phát hiện tiếng thổi tim nếu có. Kết hợp các triệu chứng cùng với các kết quả xét nghiệm dưới đây, bác sỹ sẽ cho ra kết luận chẩn đoán chính xác.

- Siêu âm tim 3D hoặc siêu âm nội soi thực quản

- Điện tâm đồ ECG

- Chụp X quang tim phổi

- Chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính

- Thông tim bằng ống thông

Điều trị hẹp van động mạch chủ

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà người bệnh có thể không cần điều trị, chỉ cần thay đổi lối sống, dùng thuốc, hoặc phải tiến hành phẫu thuật và các thủ thuật điều trị khác.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc không thể khiến van động mạch chủ bị hẹp trở lại bình thường nhưng có thể giúp cải thiện triệu chứng bằng cách giảm tích nước (các loại thuốc lợi tiểu), làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp (các loại thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, chất ức chế men chuyển ACE…) để ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh hẹp van động mạch chủ.

Phẫu thuật

- Nong van động mạch chủ bằng ống thông tim: giúp mở rộng van bị hẹp, bằng cách đưa ống thông vào động mạch chủ. Khi đến vị trí hẹp van, bác sỹ sẽ bơm bóng nong ở đầu ống để tiến hành nong van.

- Phẫu thuật thay van động mạch chủ: là đại phẫu thuật, được áp dụng cho nhưng người bệnh hẹp van nặng; có thể được tiến hành bằng phẫu thuật mở lồng ngực hoặc qua đường ống thông tim.

- Phẫu thuật sửa van động mạch chủ: dùng để tách các van bị dính liền nhau.

Phòng ngừa hẹp van động mạch chủ

- Ngăn ngừa sốt thấp khớp: điều trị tốt viêm họng bởi biến chứng của nó sẽ khiến bạn mắc bệnh hẹp van động mạch chủ và nhiều bệnh tim mạch khác.

- Ngăn chặn các nguy cơ của bệnh mạch vành: Các yếu tố nguy cơ này bao gồm tăng huyết áp, béo phì, cholesterol cao, có liên quan đến hẹp van động mạch chủ.

- Chăm sóc răng, lợi đúng cách: Viêm lợi, nhiễm trùng răng miệng có liên quan chặt chẽ với tình trạng nhiễm khuẩn mô tim, làm thu hẹp van động mạch chủ.

Hẹp van động mạch chủ là bệnh van tim nguy hiểm nhưng bạn có thể ngăn chặn được tiến triển của bệnh. Do đó, nếu bạn đã mắc căn bệnh này thì nên thăm khám sức khỏe tim mạch định kỳ, tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sỹ để tránh được biến chứng tim mạch về sau.

Ds. Ngọc Mai

Tham khảo:

http://www.webmd.com/heart-disease/tc/aortic-valve-stenosis-symptoms

http://www.nytimes.com/health/guides/disease/aortic-stenosis/overview.html