Lipid máu hay còn được gọi nôm na là “mỡ máu”, là một thành phần quan trọng trong cơ thể. Trong thực tế, lipid máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol.
Cholesterol – Đừng nghĩ là xấu!
Cholesterol là một chất quan trọng có mặt ở nhiều cơ quan, bộ phận cơ thể cũng như trong các hormon của cơ thể, giúp cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường khỏe mạnh. Vấn đề đặt ra là sự rối loạn của giữa các loại cholesterol dẫn đến bệnh lí mà đặc trưng là xơ vữa động mạch. Có hai loại cholesterol chính là loại “tốt” và loại “xấu”.
2 loại cholesterol trong máu
Chúng ta cần hiểu rõ sự khác nhau giữa hai loại này và hiểu biết về nồng độ của chúng trong máu của bạn như thế nào là tối ưu. Nếu loại xấu tăng nhiều quá hoặc mất cân đối giữa hai loại là nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não...
Cholesterol có từ hai nguồn: do cơ thể bạn tổng hợp và từ thức ăn. Nguồn từ cơ thể (tổng hợp từ gan và các cơ quan khác) chiếm khoảng 75% tổng số lượng cholestrol trong máu của bạn, còn lại từ nguồn thức ăn. Hiện nay, cholesterol chỉ thấy ở trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật. Bên cạnh đó, một thành phần khác của lipid máu cần được quan tâm là triglycerid.
Các loại thành phần chính của lipid máu bao gồm
LDL – Cholesterol (loại xấu)
Đây là thành phần được coi là “xấu” của cholesterol, khi lượng LDL này tăng nhiều trong máu dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này được hình thành dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu hoặc có thể vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu dẫn đến những bệnh nguy hiểm như Nhồi Máu Cơ Tim hoặc Tai Biến Mạch Não. LDL cholesterol được coi là một trong những chỉ số quan trọng cần theo dõi khi điều trị. LDL tăng có thể liên quan đến yếu tố gia đình, chế độ ăn, các thói quen có hại như hút thuốc lá/lười vận động hoặc liên quan các bệnh lí khác như tăng huyết áp, đái tháo đường…
HDL - Cholesterol (loại tốt)
Loại này chiếm khoảng 1/4- 1/3 tổng số cholesterol trong máu của bạn. HDL - cholesterol được cho là loại tốt bởi vì nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, cũng vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu và do vậy, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch trầm trọng khác. Những nguy cơ làm giảm HDL là hút thuốc lá, thừa cân/béo phì, lười vận động... Do vậy, để làm tăng HDL, bạn cần bỏ thuốc lá, giữ cân nặng hợp lí, tăng cường tập thể dục…
Triglycerides
Triglyceride cũng là một dạng mỡ trong cơ thể bạn. Tăng triglycerides thường gặp những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống quá nhiều rượu... Những người có triglycerides trong máu tăng cao thường đi kèm tăng cholesterol toàn phần, bao gồm tăng LDL (loại xấu) và giảm HDL (tốt). Hiện nay, các nhà khoa học cho thấy việc tăng triglyceride trong máu cũng có thể liên quan đến các biến cố tim mạch.
Lp(a) Cholesterol
Lp(a) là một biến thể của LDL cholesterol. Việc tăng Lp(a) trong máu làm gia tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch. Có lẽ nó ảnh hưởng thông qua việc tương tác với một số chất khác trong quá trình hình thành vữa xơ động mạch.
LDL – cholesterol gây xơ vữa động mạch
Hãy nên biết chỉ số cholesterol của bạn!
Mặc dù việc tăng cholesterol máu gây ra những bệnh tim mạch trầm trọng, nhưng đa số người bị tăng cholesterol đều không có triệu chứng rõ ràng mà quá trình này tiến triển thầm lặng. Do vậy, việc xét nghiệm máu của bạn là rất cần thiết để đánh giá rối loạn lipid máu này. Bạn cũng cần nhớ là các thông số xét nghiệm lipid máu của bạn tốt ngày hôm nay không có nghĩa là tốt mãi. Bên cạnh đó, nó là một chỉ dấu để bạn giữ gìn, duy trì mức tốt đẹp đó và cần có thăm khám theo chỉ dẫn của bác sỹ. Theo khuyến cáo của Hội Tim Mạch Học Việt Nam, năm 2010, tất cả những người lớn trên 20 tuổi nên được xét nghiệm 5 năm một lần các thành phần cơ bản của lipid máu bao gồm: cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglycerides. Các xét nghiệm nên được làm khi đói (cách bữa ăn trước ít nhất 12 giờ, bao gồm cả đồ uống có năng lượng). Để xét nghiệm đánh giá rối loạn lipid máu, bác sỹ yêu cầu lấy một mẫu máu nhỏ của bạn và đồng thời có thể đánh giá các thông số khác nếu có yêu cầu (ví dụ, đường máu). Bác sỹ (hoặc nhân viên y tế) sẽ dặn dò bạn cần nhịn ăn (ít nhất 12 tiếng). Bác sỹ sẽ đọc và thông báo kết quả cho bạn cũng như tư vấn cần thiết cho bạn về các xét nghiệm lipid máu. Kết quả xét nghiệm của bạn được thể hiện bằng mg/dL hoặc mmol/l. Bác sỹ có thể khảo sát thêm các thông tin về các nguy cơ tim mạch khác như tuổi, giới, con số huyết áp, tình trạng hút thuốc lá… để ước lượng nguy cơ bạn mắc bệnh tim mạch trong tương lai.
Sau đây là tóm tắt về các chỉ số mỡ máu của bạn và những lí giải mà bạn cần biết
Cholesterol Toàn phần |
Lí giải |
< 200 mg/dL (5,1 mmol/L) |
Đây là nồng độ lí tưởng và nguy cơ bệnh động mạch vành của bạn là thấp. |
200 - 239 mg/dL (5,1 – 6,2 mmol/L) |
Đây là mức ranh giới, cần chú ý |
≥ 240 mg/dL (6,2 mmol/L) |
Bạn bị tăng cholesterol máu. Những người có mức này thường có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao gấp hai lần người bình thường |
HDL Cholesterol (tốt) |
|
< 40 mg/dL (1,0 mmol/L) (nam giới) < 50 mg/dL (1,3 mmol/L) (nữ giới) |
HDL cholesterol của bạn thấp. Đây là một trong các nguy cơ chính của bệnh tim mạch.
|
> 60 mg/dL (1,5 mmol/L) |
HDL cholesterol tăng. Điều này có nghĩa là tốt và mang tính bảo vệ cơ thể bạn trước các nguy cơ tim mạch. |
LDL Cholesterol (xấu) |
|
< 100 mg/dL (< 2,6 mmol/L) |
Rất tốt
|
100 - 129 mg/dL (2,6 – 3,3 mmol/L) |
Được
|
130 - 159 mg/dL (3,3 – 4,1 mmol/L) |
Tăng giới hạn
|
160 - 189 mg/dL (4,1 – 4,9 mmol/L) |
Tăng (nguy cơ cao) |
≥ 190 mg/dL (4,9 mmol/L) |
Rất tăng (nguy cơ rất cao) |
Triglyceride |
|
< 150 mg/dL (1,7 mmol/L) |
Bình thường
|
150–199 mg/dL (1,7 – 2,2 mmol/L) |
Tăng giới hạn
|
200–499 mg/dL (2,2 – 5,6 mmol/L) |
Tăng
|
≥ 500 mg/dL (≥ 5,6 mmol/L) |
Rất tăng
|
Khá nhiều bạn có kiểu rối loạn lipid máu hỗn hợp, vừa tăng LDL vừa giảm HDL, điều này làm nguy cơ bệnh tim mạch tăng nhiều. Một số bạn lại có kèm theo tăng triglyceride, thì đây được gọi là kiểu rối loạn lipid máu tăng sinh xơ vữa động mạch.
Thanh Hà