Tăng huyết áp là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ngày một gia tăng, đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều với người trẻ tuổi. Ở các nước phát triển, tỷ lệ THA ở người lớn (> 18 tuổi) theo định nghĩa của JNC VI là khoảng gần 30% dân số và có trên một nửa dân số > 50 tuổi có THA. Theo thống kê ở Việt Nam những năm cuối thập kỷ 80 tỷ lệ THA ở người lớn là khoảng 11% thì thống kê gần đây tỷ lệ THA ở Hà Nội cho người lớn đã khoảng 20%. Riêng với năm 2000, theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới WHO, toàn thế giới có 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này sẽ tiếp tục gia tăng ước tính khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025.THA nguy hiểm bởi các biến chứng của nó không chỉ có thể gây chết người mà còn để lại những di chứng nặng nề như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và là gánh nặng cho gia đình xã hội.
Huyết áp là gì và tại sao huyết áp lại quan trọng?
Tất cả mọi người đều cần phải có huyết áp, nếu không có huyết áp thì máu không thể tuần hoàn được trong cơ thể con người. Nếu không có tuần hoàn máu thì các cơ thể sống sẽ không nhận được oxy và dinh dưỡng để hoạt động theo nhu cầu.
Huyết áp chính là áp lực của dòng máu lên thành mạch đi nuôi cơ thể. Huyết áp được tạo ra là do sức co bóp hút – đẩy máu của tim và sự co giãn của thành mạch. Huyết áp còn bị chi phối nhiều bởi nhịp tim, các yếu tố gây co mạch, thể tích tuần hoàn,….
Huyết áp bình thường và Tăng huyết áp?
Khi bạn đo huyết áp, có hai trị số khiến bạn phải quan tâm. Ví dụ: 120/80 mmHg. Trong đó, số ở trên hay số lớn hơn được gọi là huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) phản ánh huyết áp của động mạch khi tim co bóp; Và số ở dưới hay số nhỏ hơn được gọi là huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) phản ánh huyết áp của động mạch khi tim giãn ra trong một chu kì co bóp của tim.
Tăng huyết áp - kẻ giết người thầm lặng
Bình thường huyết áp của người lớn là 120/80 mmHg, khi huyết áp từ 120-139/80-89 được gọi là “huyết áp bình thường – cao”. Nếu bạn là một người trưởng thành khỏe mạnh, chỉ số huyết áp là 140/90 mmHg hoặc cao hơn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã bị tăng huyết áp.
Nếu bạn bị tiểu đường hoặc bệnh liên quan đến thận thì huyết áp an toàn dành cho bạn là dước 130/80 mmHg. Và khi đó, nếu huyết áp của bạn cao hơn ngưỡng này thì bạn đã bị coi là tăng huyết áp và cần theo dõi kiểm tra, điều trị.
Nguyên nhân nào dẫn đến Tăng huyết áp?
Hầu hết 90-95% trường hợp bị tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân trực tiếp (hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Đa phần xuất phát từ những yếu tố nguy cơ sau có thể dẫn đến tăng huyết áp.
Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được:
* Thừa cân và béo phì: Những người có chỉ số khối cơ thể BMI từ 23 trở lên thì có nguy cơ cao bị tăng huyết áp
Dựa vào chỉ số khối lượng cơ thể (Body mass index- BMI)
Trọng lượng cơ thể (kg)
BMI= ----------------------------------
(Chiều cao tính bằng mét)2
Căn cứ vào BMI, WHO (1998) chia ra:
- Bình thường: 18-24.
- Thừa cân : 25-30.
- Béo : 31-40.
- Béo phì : > 40.
* Ăn nhiều muối: ≥ 6-10 gam muối/ngày có tỷ lệ tăng HA cao hơn so với những người ăn nhạt hơn. Tuy vậy vẫn có tỷ lệ những người ăn nhạt vẫn bị tăng HA, điều này được giải thích là do tăng độ nhậy cảm của thụ cảm thể với muối...
* Hút thuốc lá: trên 10 điếu/ngày liên tục trên 3 năm. Hút thuốc lá gây co mạch và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
* Rượu: uống rượu nặng , lượng 180ml/ngày liên tục trên 3 năm có thể xuất hiện tăng huyết áp đột ngột
* Tăng lipit máu: Lipit toàn phần > 7g/l. Cholesterol toàn phần > 5,5mmol/l. Triglycerit > 2,5 mmol/l. VLDL > 0,3 mmol/l. LDL > 4,4 mmol/l. HDL < 1,5 mmol/l.
* Thiếu vận động: một cuộc sống thiếu vận động, tĩnh lặng dễ dấn đến thừa cân và tăng nguy cơ bị tăng huyết áp
* Thường xuyên gặp stress cũng là yếu tố dẫn đến tăng huyết áp
Yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được
* Chủng tộc: ví dụ người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn người Capcasians,và có xu hướng tăng huyết áp sớm hơn, nặng hơn. Người da đen có tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn và nặng hơn, khó điều trị hơn so với các dân tộc khác.
* Di truyền: Tăng huyết áp có xu hướng di truyền, nếu bố mẹ hoặc người thân của bạn bị tăng huyết áp thì nguy cơ bạn bị tăng huyết áp cũng cao hơn người khác.
* Tuổi tác: tuổi càng cao thì nguy cơ gặp phải tăng huyết áp càng cao. Nữ giới tuổi tiền mạn kinh. Nam giới ≥ 55 tuổi do quá trình lão hoá thành động mạch, nên dễ bị tăng huyết áp hơn.
* Các bệnh lý về thận: Viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn tính, sỏi thận, sỏi niệu quản,hẹp động mạch thận,…
* Các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến yên, u vỏ thượng thận, đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường típ 2…
* Các bệnh lý mạch máu và tim: hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ,… Vữa xơ động mạch: đối với tăng huyết áp thì vữa xơ động mạch đã thúc đẩy tăng huyết áp nặng hơn và ngược lại, đến mức một thời gian dài người ta đã tưởng vữa xơ động mạch là nguyên nhân của bệnh tăng huyết áp.
* Tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén
* Tăng huyết áp do dùng một số thuốc như thuốc chữa ngạt mũi, thuốc chữa hen, thuốc tránh thai, thuốc kháng viêm non-steroid, corticoid, …
* Tăng huyết áp có thể do yếu tố tâm lý: thường xuyên căng thẳng tâm lý, cảm xúc, căng thẳng về thời gian, căng thẳng về thể lực, thi đấu thể thao, chiến tranh, trí thức, chức vụ cao đảm nhận trách nhiệm cao..., dễ bị tăng huyết áp hơn.
Tăng huyết áp có triệu chứng gì không?
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì, trên thực tế có rất nhiều người bị tăng huyết áp nhiều năm mà không hề hay biết, đến khi đi kiểm tra sức khỏe hoặc xuất hiện các biến chứng của bệnh tăng huyết áp thì mới phát hiện ra mình bị tăng huyết áp. Đó cũng là lý do vì sao, tăng huyết áp là một bệnh nguy hiểm và được mệnh danh là “ kẻ giết người thầm lặng”.
Cách tốt nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không là bạn nên thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp của mình.
Làm sao để đo huyết áp đúng cách?
* Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút trước khi đo huyết áp.
* Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.
* Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
* Sử dụng huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế điện tử (loại đo ở cánh tay). Các thiết bị đo cần được kiểm chuẩn định kỳ. Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
* Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff).
* Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
* Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
* Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
* Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).
* Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng HA tâm thu/HA tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg) không làm tròn số quá hàng đơn vị và thông báo kết quả cho người được đo.
Hãy tham khảo bảng sau để biết mức độ huyết áp của bạn
Chỉ số huyết áp tham khảo
Tăng huyết áp có nguy hiểm không? Tại sao?
Tăng huyết áp thực sự rất nguy hiểm, nó được mệnh danh là “ kẻ giết người thầm lặng” . Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể bằng nhiều cách khác nhau.
Tăng huyết áp làm tăng gánh nặng cho tim và toàn hệ thống động mạch của bạn. Tim của bạn sẽ phải làm việc nặng hơn trong một thời gian dài, nên có xu hướng to ra, tim cũng bị giãn ra và thành tim phải dày lên để bù lại, nhưng nếu quá trình này diễn biến lâu ngày, vượt quá giới hạn thì sẽ dẫn đến bị suy tim.
Tăng huyết áp cũng thúc đẩy và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, đây là một bệnh lý nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch vành mãn tính.
Cụ thể các biến chứng của tăng huyết áp
* Đột quị, thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, hẹp động mạch cảnh.
* Phì đại thất trái (trên điện tâm đồ hay siêu âm tim), suy tim.
* Nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.
* Bệnh mạch máu ngoại vi.
* Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị.
* Protein niệu, tăng creatinin huyết thanh, suy thận…
Các nghiên cứu cho thấy: Người bị tăng huyết áp nếu không được kiểm soát thì có thể dẫn đến nguy cơ Bệnh động mạch vành tăng gấp 3 lần, Suy tim tăng 6 lần, Đột quỵ tăng gấp 7 lần… Các biến chứng ngày có thể diễn ra cấp tính nhưng cũng có thể âm thầm, như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều.
Cần phải làm gì đề phòng ngừa bị tăng huyết áp và những nguy cơ biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp?
Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống là những biện pháp để phòng ngừa tăng huyết áp ở người trưởng thành, phối hợp với việc giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh tăng huyết áp cũng như các biến chứng của tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Nguyên tắc chung trong điều trị
* Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ hàng ngày, điều trị lâu dài.
* Mục tiêu điều trị là đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”.
* “Huyết áp mục tiêu” cần đạt là < 140/90 mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Nếu nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì huyết áp mục tiêu cần đạt là < 130/80 mmHg. Khi điều trị đã đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời.
* Điều trị cần hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích. Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích, trừ tình huống cấp cứu.
Điều trị bằng biện pháp không dùng thuốc - Tích cực thay đổi lối sống
Áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển và giảm được huyết áp, giảm số thuốc cần dùng …
* Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng:
+ Giảm ăn mặn (< 6 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày).
+ Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi.
+ Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no.
* Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI: body mass index) từ 18,5 đến 22,9 kg/m2.
* Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
* Hạn chế uống rượu, bia: số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ). 1 cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh.
* Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
* Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
* Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
* Tránh bị lạnh đột ngột.
Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc tại tuyến cơ sở
* Chọn thuốc khởi đầu:
+ Tăng huyết áp độ 1: có thể lựa chọn một thuốc trong số các nhóm: lợi tiểu thiazide liều thấp; ức chế men chuyển; chẹn kênh canxi loại tác dụng kéo dài; chẹn beta giao cảm (nếu không có chống chỉ định).
+ Tăng huyết áp từ độ 2 trở lên: nên phối hợp 2 loại thuốc (lợi tiểu, chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II, chẹn bêta giao cảm.
+ Từng bước phối hợp các thuốc hạ huyến áp cơ bản, bắt đầu từ liều thấp như lợi tiểu thiazide (hydrochlorothiazide 12,5 mg/ngày), chẹn kênh canxi dạng phóng thích chậm (nifedipine chậm (retard) 10-20 mg/ngày), ức chế men chuyển (enalapril 5 mg/ngày; perindopril 2,5-5 mg/ngày …).
* Quản lý người bệnh ngay tại tuyến cơ sở để đảm bảo bệnh nhân được uống thuốc đúng, đủ và đều; đồng thời giám sát quá trình điều trị, tái khám, phát hiện sớm các biến chứng và tác dụng phụ của thuốc theo 4 bước quản lý tăng huyết áp ở tuyến cơ sở.
* Nếu chưa đạt huyết áp mục tiêu: chỉnh liều tối ưu hoặc bổ sung thêm một loại thuốc khác cho đến khi đạt huyết áp mục tiêu.
* Nếu vẫn không đạt huyết áp mục tiêu hoặc có biến cố: cần chuyển tuyến trên hoặc gửi khám chuyên khoa tim mạch trong các trường hợp sau:
+ Tăng huyết áp tiến triển: THA đe dọa có biến chứng (như tai biến mạch não thoáng qua, suy tim…) hoặc khi có các biến cố tim mạch.
+ Nghi ngờ tăng huyết áp thứ phát hoặc THA ở người trẻ hoặc khi cần đánh giá các tổn thương cơ quan đích.
+ Tăng huyết áp kháng trị mặc dù đã dùng nhiều loại thuốc phối hợp (≥ 3 thuốc, trong đó ít nhất có 1 thuốc lợi tiểu) hoặc không thể dung nạp với các thuốc hạ áp, hoặc có quá nhiều bệnh nặng phối hợp.
+ THA ở phụ nữ có thai hoặc một số trường hợp đặc biệt khác.
Tài liệu tham khảo
1. Blair SN, Goodyear NN, Gibbon LW, et al. Physical fitness and incidence of hypertension in healthy normotensive men and women. JAMA 1984;252:487-490.
2. Curb JD, Pressel SL, Cufler JA, et al. Effect of diuretic-based antihypertensive treatment on cardiovascular disease risk in older diabetic patients with isolated systolic hypertension. JAMA1996;276:1886-1892.
Nguyễn Trang