Thực hiện những xét nghiệm sau đây và hiểu các trị số của nó sẽ giúp “cảnh báo” cho người bệnh những dấu hiệu nguy hiểm nhằm kịp thời điều chỉnh lối sống hoặc phải điều trị để kiểm soát bệnh mạch vành. 

1- Điện tâm đồ

        Điện tâm đồ là biểu đồ ghi lại những thay đổi của dòng điện trong tim. Bình thường Quả tim co bóp theo nhịp được điều khiển của một hệ thống dẫn truyền trong cơ tim. Những dòng điện tuy vô cùng nhỏ, xấp xỉ 1 phần nghìn volt, nhưng có thể dò thấy được từ các cực điện đặt trên tay, chân và ngực bệnh nhân và chuyển đến máy ghi. Máy ghi điện khuếch đại lên và ghi lại trên điện tâm đồ.

 

dien-tam-do-cho-tim

Kết quả điện tâm đồ

 

        Điện tâm đồ được sử dụng trong nhiều trường hợp y học:

        * Chẩn đoán nhồi máu cơ tim: khi cơ tim bị thiếu máu và dưỡng khí, khả năng chuyển điện của cơ sẽ thay đổi. Sự thay đổi này có thể ghi nhận được trên điện tâm đồ.

        * Chẩn đoán và theo dõi rối loạn nhịp tim: nhịp tim đập do một hệ thống điện rất tinh vi điều hành. Khi có rối loạn trong các đường dẫn điện, hệ thống thay đổi làm loạn nhịp…. 

2- Siêu âm tim Doppler

        Siêu âm Doppler là một xét nghiệm hoàn toàn không gây đau, cho phép các bác sĩ quan sát và đánh giá toàn bộ mô cơ tim. Siêu âm Doppler khảo sát vật thể chuyển động bằng đầu dò phát – nhận sóng siêu âm. Với những tín hiệu tần số phát từ đầu dò của máy siêu âm và tần số nhận về khi khảo sát vật thể di chuyển (ví dụ tế bào máu dịch chuyển trong mạch máu hay trong buồng tim), máy sẽ tổng hợp và hiển thị trên màn hình dưới dạng các màu sắc, các dạng sóng phổ khác nhau hoặc tín hiệu âm thanh có thể nghe được.

 

sieu-am-doppler-cho-tim 

Thời gian siêu âm Doppler mất trung bình khoảng 10 – 20 phút.

 

        Thời gian siêu âm Doppler mất trung bình khoảng 10 – 20 phút. Trên kết quả của siêu âm tim, bác sĩ sẽ xem sự co bóp của tim và các chuyển động của vách tim, từ đó phát hiện ra vùng tim giảm vận động, vô động hay vận động nghịch thường so với vùng khác của tim hoặc xem các buồng tim có bị giãn không.

Qua siêu âm bác sĩ cũng đánh giá được tình trạng van tim, hẹp hay hở van tim, màng ngoài tim và dịch màng ngoài tim. Đây là một xét nghiệm không xâm lấn, không gây đau, cung cấp cho bác sĩ nhiều thông tin quan trọng. Cần lưu ý chỉ làm siêu âm Doppler khi có chỉ định của bác sĩ lâm sàng hoặc bác sĩ chuyên khoa về chẩn đoán hình ảnh.

 

3- Siêu âm tim gắng sức

        Siêu âm tim gắng sức (Stress Echocardiography) là phép thử quan trọng để đánh giá lưu lượng máu đi tới các ngăn tim trước và sau khi luyện tập, đồng thời để kiểm tra mức độ tắc nghẽn động mạch cung cấp máu tới cho tim. Kỹ thuật này giúp bác sĩ biết sớm mức độ mắc bệnh để có phác đồ điều trị thích hợp như dùng thuốc hay đặt stent. Bất kể tuổi tác, nếu có các dấu hiệu mắc bệnh tim như khó thở đau ngực, đau cổ thì nên làm phép siêu âm này.

 

lam-dien-tim-gang-suc

Một bệnh nhân đang thực hiện phương pháp điện tim gắng sức tại BV 105

 

4- Huyết áp

        Huyết áp được biểu thị bằng hai trị số: huyết áp tâm thu/ huyết áp tâm trương, chẳng hạn 135/75 mmHg. Khi HA tâm thu > 140 mmHg hoặc HA tâm trương > 90 mmHg thì gọi là tăng huyết áp. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn cho nhiều bệnh lý và có thể gây những biến chứng nặng nề lên các cơ quan trong đó có hệ tim mạch nói chung và mạch vành nói riêng. Bác sĩ sẽ đo huyết áp từ 2 đến 3 lần không cùng thời điểm trước khi chẩn đoán có tăng huyết áp.

 

Bảng phân độ tăng huyết áp theo JNC 7:

 

 

Huyết áp tâm thu

(mmHg)

 

Huyết áp tâm trương

(mmHg)

Bình thường

< 120

< 80

Tiền tăng huyết áp

120 - 139

hoặc

80 - 89

Tăng huyết áp giai đoạn 1

140 - 159

hoặc

90 - 99

Tăng huyết áp giai đoạn 2

> 160

hoặc

> 100

 

5- Chỉ số khối lượng cơ thể BMI

        Có nhiều cách để biết có béo phì hay không, trong đó cách tính BMI (Body Mass Index – chỉ số khối lượng cơ thể) cho kết quả tương đối chính xác.

Công thức tính: BMI = CN / CC2

Trong đó:

- BMI: Body Mass Index – Chỉ số khối lượng cơ thể, đơn vị Kg/m2

- CN: Cân nặng (kg)

- CC: Chiều cao (m)

 

Chỉ số BMI

Kết quả

< 18,5

Thiếu cân

18,5 – 24,9

Lý tưởng

25 – 29,9

Thừa cân

30 – 39,9

Béo phí

> 40

Quá béo phì, nguy cơ cao cho các bệnh lý

Bảng kết quả đo chỉ số BMI

 

VD: một người cao 1,66 m, cân nặng 62 Kg thì có BMI = 62 / (1,66)2 = 22,5 => Lý tưởng

 

6- Đường huyết

        Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa gây tăng nồng độ glucose trong máu. Tiểu đường là yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tiền tiểu đường là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là tiểu đường. Nếu không có biện pháp can thiệp thì những người bị tiền tiểu đường sẽ tiến triển thành tiểu đường.

        Xét nghiệm đường huyết khi đói (bệnh nhân nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm ít nhất 8 giờ) được dùng để chẩn đoán tiểu đường và tiền tiểu đường.

Kết quả:

Chỉ số đường huyết

Kết quả

Dưới 100 mg/dL (5,55 mmol/L)

Bình thường

Từ 100 đến 125 mg/dL (5,55 đến 6,94 mmol/L)

Tiền tiểu đường

Từ 126 mg/dL (7 mmol/L) trở lên

Tiểu đường

Bảng kết quả đường huyết

 

        Đường huyết sau ăn hoặc thử bất kỳ ≥ 200mg/dL (≥ 11,1mmol/L) cũng coi là bị tiểu đường. Người bệnh mạch vành nên kiểm tra đường huyết đói ít nhất mỗi 2 năm. Người bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết đói và đường huyết bất kỳ thường xuyên.

 

7- Bộ xét nghiệm mỡ máu

        Rối loạn chuyển hóa mỡ là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ… Bộ xét nghiệm mỡ máu gồm 4 trị số cho biết nồng độ trong máu của cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol, triglyceride. Để kết quả chính xác, người xét nghiệm cần nhịn đói khoảng 12 giờ trước khi lấy máu nên xét nghiệm này thường được làm vào buổi sáng khi người được xét nghiệm chưa ăn sáng

 

bang-phan-loai-mo-mau

Bảng đối chiếu kết quả mỡ máu trong cơ thể

 

        Nếu các trị số mỡ máu bình thường, vẫn nên kiểm tra lại mỗi năm. Với bệnh nhân được điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ, xét nghiệm này nên được kiểm tra 6 tuần sau khi bắt đầu điều trị và mỗi 4 đến 6 tháng sau đó.

 

8- Xét nghiệm sinh hóa máu

        Xét nghiệm sinh hóa máu theo dõi trong bệnh tim mạch thường gồm xét nghiệm ion đồ (Kali, Natri, Clor, Calci), xét nghiệm chức năng thận (Ure, Creatinin). Các xét nghiệm giúp theo dõi trong điều trị suy tim hoặc tăng huyết áp, theo dõi việc điều với thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển…, đánh giá chức năng thận.

 

Xét nghiệm

Trị số

Kali

3,5 – 5 mEq/L

Natri

135 – 150 mEq/L

Clor

98 – 110 mEq/L

Calci

4,5 – 5,5 mEq/L

Ure

20 – 40 mg/dL

Creatinin

0,7 – 1,5 mg/dL

 

Giá trị bình thường:

        Bất thường kết quả xét nghiệm Ure, Creatinin cho thấy có bệnh lý thận hoặc suy thận. Bất thường các chất điện giải (Natri, Clor, Kali) có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước, bệnh lý thận, bệnh lý gan, suy tim, tăng huyết áp… Tăng Kali có thể xảy ra ở bệnh nhân điều trị thuốc ức chế men chuyển, giảm Kali có thể gặp ở bệnh nhân điều trị thuốc lợi tiểu mất Kali. Bất thường nồng độ Calci trong máu có thể là dấu hiệu của bệnh lý thận, xương, tuyến giáp, ung thư, suy dinh dưỡng… 

Hoàng Nam