Tim là cơ quan hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời mỗi người, vì vậy, nó có vai trò vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về những “công việc” mà trái tim phải gánh vác. Hãy cùng nhau tìm hiểu về công việc đơn giản nhất của tim để thấy được tầm quan trọng của trái tim với sự sống của con người. Công việc đó là: ĐẬP!

Mỗi ngày, tim đập khoảng 100.000 lần để bơm máu đi tới các cơ quan trong cơ thể, giúp cơ thể chúng ta vận động một cách trơn chu. Nhịp tim ở người trưởng thành dao động trong khoảng từ 60 – 100 nhịp trong 1 phút.

Thế nào là rối loạn nhịp tim?

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập nhanh hơn 100 nhịp/phút, có khi đập chậm hơn 60 nhịp/phút hoặc có lúc nhanh, lúc chậm và thậm chí là bỏ nhịp.

Rối loạn nhịp tim thường xảy ra khi bạn gặp những căng thẳng, stress; sử dụng các đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà phê… Người bệnh có các bệnh lý khác về tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, hở van tim… cũng có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim.

roi-loan-nhip-tim-la-tinh-trang-thuong-gap-o-nguoi-benh-tim-mach.jpg

Rối loạn nhịp tim là tình trạng thường gặp ở người bệnh tim mạch 

Triệu chứng của rối loạn nhịp tim?

Rối loạn nhịp tim khiến cho việc bơm máu của tim không ổn định, dẫn tới giảm hiệu quả và có thể gây ra các triệu chứng sau:

- Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực: Đây là biểu hiện thường gặp nhất của rối loạn nhịp tim. Người bệnh sẽ có cảm giác hụt hẫng, tim dường như bị ngưng đập trong vài giây và sau đó sẽ cảm thấy một nhịp đập mạnh.

- Cảm giác nhịp tim đập nhanh hoặc chậm hơn so với bình thường.

- Cảm giác mệt mỏi, khó thở.

- Đau ngực, đau đầu, choáng váng…

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, có thể tóm gọn lại thành các nhóm nguyên nhân chung như sau:

- Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan như bệnh tim, tăng huyết áp, tiểu đường, cường giáp…

- Sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá, ma túy…

- Do gặp các vấn đề về tinh thần, thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng, stress…

- Do tác dụng phụ của các loại thuốc tây đang điều trị.

cac-do-uong-co-chat-kich-thich-nhu-bia-ruou-se-gay-roi-loan-nhip-tim.jpg

Các đồ uống có chất kích thích như bia rượu sẽ gây rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim chẩn đoán như thế nào?

Trường hợp nghi ngờ bị rối loạn nhịp tim hoặc có những biểu hiện bất thường ở tim, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để xác định được nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp cho từng trường hợp. Với các trường hợp này, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp chẩn đoán như sau:

- Xét nghiệm cận lâm sàng.

- Siêu âm tim.

- Gắn thiết bị Holter theo dõi.

- Nghiệm pháp gắng sức.

Tùy vào từng trường hợp khác nhau mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp phù hợp để có thể đưa ra những kết luận chính xác về nguyên nhân.

Tim phải làm việc không ngừng nghỉ 24/7, vì vậy, có thể đôi lúc sẽ xảy ra tình trạng rối loạn nhịp tim kể cả ở người bình thường. Đây không phải vấn đề quá lo lắng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn. Nhưng đối với những bệnh nhân có tiền sử tim mạch hoặc tình trạng rối loạn xảy ra thường xuyên, tần suất cao thì bạn hãy điều trị căn bệnh này càng sớm càng tốt. Ông cha ta cũng có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì vậy, hãy phòng ngừa những nguy cơ rối loạn nhịp tim ngay từ bây giờ để giữ cho mình có một trái tim luôn khỏe mạnh.

Đức Long