Tăng huyết áp (THA) là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ người mắc THA ngày càng tăng, và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Vào năm 2000, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thể giới có tới 972 triệu người bị THA và con số này được ước tính là vào khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025. THA nguy hiểm ở chỗ nó thường diễn biến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại gánh nặng tàn phế.

Tăng huyết áp - Chỉ số nào cần lưu tâm?

Bình thường, huyết áp của người lớn là dưới 120/80 mmHg. Khi huyết áp từ 120-139/80-89 được coi là “huyết áp bình thường - cao”. Nếu bạn là người lớn và huyết áp của bạn là 140/90 mmHg hoặc cao hơn, bạn đã bị tăng huyết áp (THA). Nếu bạn bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, con số huyết áp của bạn tốt nhất là dưới 130/80 mmHg. Nếu huyết áp của bạn cao hơn ngưỡng này, bạn đã bị coi là tăng huyết áp và cần điều trị. Bác sỹ của bạn có thể cần phải đo huyết áp vài lần nữa trong một khoảng thời gian trước khi khẳng định bạn bị tăng huyết áp.

can-trong-voi-huyet-ap-120-139-80-89-mmhg.jpg

Cẩn trọng với huyết áp 120-139/80-89 mmHg 

Tăng huyết áp có triệu chứng gì không?

Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì. Trên thực tế, rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết, cho đến khi đi khám bệnh hoặc đã bị các biến chứng nguy hiểm do THA gây ra rồi mới biết mình bị THA. Đó là lý do tại sao tăng huyết áp lại nguy hiểm và được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để biết mình bị tăng huyết áp là đo huyết áp. Bác sỹ hoặc nhân viên y tế có thể đo huyết áp cho bạn. Hãy tham khảo ở bảng sau để biết mức độ huyết áp của bạn.

Tăng huyết áp và cách điều trị bằng thuốc

Khi huyết áp của bạn tăng trên giới hạn cho phép hoặc khi có những nguy cơ đi kèm thì thầy thuốc sẽ cho bạn thuốc để làm giảm huyết áp. Hiện nay, chúng ta vui mừng là có nhiều loại thuốc hạ huyết áp với hiệu quả tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn. Hiện nay, các bác sỹ có xu hướng kê đơn phối hợp thuốc ngay từ đầu để khống chế tốt hơn huyết áp cho bạn nếu huyết áp của bạn ở mức khá cao hoặc có nhiều nguy cơ đi kèm. Các thử nghệm lâm sàng đã chứng minh rằng phối hợp nhiều thuốc laá cần thiết để đạt HA mục tiêu, đặc biệt ở bệnh nhân nguy cơ cao. Phối hợp thuốc dựa trên cơ chế tác dụng sinh lý bệnh. Nhìn chung thuốc tác dụng qua 3 cơ chế:

- Giảm thể tích, bằng lợi tiểu như Thiazides, lợi tiểu quai, kháng Aldosteron.

- Giảm tần số tim, như chẹn beta và chẹn kênh calcium (Verapamin, Diltiazem).

- Giảm kháng lực mạch, như các thuốc giãn mạch do ức chế hệ renin (ức chế men chuyển, ức chế thụ thể), giãn cơ trơn (chẹn kênh calcium Dihydropyridine và chẹn thụ thể α) và giãn mạch trực tiếp (hydralazine, minoxidil).

thuoc-ha-ap-la-chi-dinh-dau-tay-trong-dieu-tri-benh-tang-huyet-ap.jpg

Thuốc hạ áp là chỉ định đầu tay trong điều trị bệnh tăng huyết áp

Các thuốc hạ huyết áp chỉ có tác dụng khi bạn dùng thuốc và sẽ hết khi bạn ngừng. Do vậy, bạn không được ngừng thuốc ngay cả khi huyết áp đã giảm bình thường. Điều trị cần phải được duy trì lâu dài để đạt được tác dụng tốt, tránh được các biến chứng. Bạn không nên lo lắng nếu phải dùng thuốc lâu dài, vì với liều điều trị, thuốc hạ áp sẽ giữ cho huyết áp bạn ổn định, đưa bạn về cuộc sống gần bình thường và thường không làm huyết áp của bạn bị tụt thấp đến mức nguy hiểm.

Tăng huyết áp, bạn phải làm gì cho chính bản thân mình?

Nếu bạn đang điều trị với bất kì thuốc nào, liều lượng cần phải được lưu ý cẩn thận tránh gây tụt huyết áp đột ngột. Bạn cần khám bác sỹ thường xuyên ít nhất cho đến khi huyết áp được kiểm soát, sau đó bạn cần đi khám 3 - 4 lần trong một năm. Cũng như tất cả các thuốc điều trị, thuốc hạ huyết áp cũng có thể có những tác dụng phụ không mong muốn như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, tụt huyết áp đột ngột gây chóng mặt, ngất xỉu…

Tuy nhiên, bạn hãy yên tâm tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị là vấn đề cốt lõi của thành công. Kết hợp giữa việc điều trị không dùng thuốc như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc, thể dục thể thao thường xuyên, sử dụng những sản phẩm bổ trợ với những thành phần chiết xuất từ thảo dược như Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Đan sâm,.. giúp điều hòa và cân bằng huyết áp ở mức an toàn, hiệu quả, giúp làm giảm nguy cơ biến chứng lên tim mạch, thiếu máu cơ tim, suy vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Ngân Hoa