Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hay bệnh động mạch vành là loại bệnh tim phổ biến nhất, đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tình trạng này là kết quả của sự tích tụ các mảng xơ vữa gây hẹp, tắc động mạch vành. Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có thể phòng tránh nếu chúng ta hiểu đúng về bệnh. Bài viết sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết về bệnh lý này.

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là gì?

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là tình trạng giảm lưu lượng máu cung cấp cho cơ tim do các động mạch vành - hệ thống mạch máu nuôi tim bị hẹp, tắc nghẽn. Cơ tim bị thiếu oxy và dưỡng chất gây suy giảm chức năng và kèm theo các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng khác.

Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Các phân tử cholesterol dư thừa lắng đọng ở dưới lớp nội mạc của thành mạch theo thời gian gây hẹp và tắc lòng động mạch vành, làm hạn chế sự lưu thông máu trong lòng mạch. Lâu ngày, các mảng xơ vữa nứt vỡ kéo theo sự kết tập tiểu cầu, hình thành cục máu đông, gây tắc tại chỗ dẫn đến nhồi máu cơ tim, thậm chí là cục máu đông di chuyển lên não gây đột quỵ…

Những ai có nguy cơ cao bị thiếu máu cơ tim cục bộ?

Hiểu được các yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn phòng ngừa và hạn chế được sự tiến triển của bệnh. Những trường hợp sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

- Người cao tuổi.

- Nam nhiều hơn nữ.

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim.

- Hút thuốc.

- Thừa cân, béo phì.

- Căng thẳng, stress.

- Huyết áp cao.

- Tiểu đường.

- Mỡ máu cao.

- Những người có chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, nhiều muối, nước; nghiện rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Cơn đau có các tính chất sau:

- Cảm giác như có vật nặng đè lên ngực, thắt chặt, bóp nghẹt, rát và đau nhói ở giữa ngực hoặc ngực trái, lan lên vai trái, cánh tay trái, bàn tay và xuống ngón tay trái.

- Cơn đau có thể xảy ra sau hoạt động thể chất mạnh, căng thẳng, sau ăn hoặc khi thời tiết lạnh.

- Cơn đau thắt ngực ổn định: tình trạng đau có thể biến mất trong vòng vài phút khi ngừng hoạt động hoặc dùng thuốc giảm đau.

- Cơn đau thắt ngực không ổn định: thường không thuyên giảm ngay cả khi nghỉ ngơi và có sự tăng về cường độ, thời gian đau cũng như số lần đau, điều này có thể gây nguy hiểm dẫn tới nhồi máu cơ tim đột ngột.

Các triệu chứng khác có thể xảy ra bao gồm: Khó thở, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, mệt mỏi hoặc chóng mặt, vã mồ hôi… Những cơn đau kèm theo buồn nôn, nôn ói có thể nhầm lẫn với chứng ợ nóng hoặc khó tiêu do bệnh dạ dày. Ở phụ nữ, đau thắt ngực có thể thoáng qua hoặc có các triệu chứng không điển hình khác như đau ở cổ, tay, lưng; buồn nôn, nôn, khó thở…

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.jpg

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Nếu như bạn có các yếu tố nguy cơ cao của bệnh hay có bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì hãy gọi cho chúng tôi theo số điện thoại 0962.546.541 để được tư vấn chi tiết hơn.

Hotline Vương Tâm Thống 0962546541

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ nguy hiểm ra sao?

Bệnh có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm sau:

- Nhồi máu cơ tim: Là biến chứng thường gặp nhất. Mảng xơ vữa tiến triển và nứt vỡ, gây cục máu đông làm tắc nghẽn hoàn toàn các nhánh mạch vành, hậu quả là cơ tim không được cung cấp oxy, bị chết và hoại tử.

- Suy tim: Hẹp mạch vành khiến cơ tim bị thiếu máu hoặc là tình trạng sau nhồi máu cơ tim có thể làm cho tim suy yếu và không đáp ứng đủ máu nuôi cơ thể.

- Rối loạn nhịp tim: Tim không được cung cấp đủ máu hoặc tổn thương mô cơ tim có thể ảnh hưởng đến các xung điện của tim gây nhịp tim bất thường.

- Các biến chứng khác: tắc động mạch cảnh gây thiếu máu não cục bộ, đột quỵ, đột tử…

Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ

Để chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ cùng các thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng khác bao gồm:

- Điện tâm đồ (EGC): Ghi lại các tín hiệu điện qua tim. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được theo dõi Holter tim là loại điện tâm đồ 24 giờ.

- Siêu âm tim: xác định bất thường trong cấu trúc của tim.

- Thử nghiệm gắng sức: Giúp đánh giá chức năng tưới máu của mạch vành khi gắng sức và khi nghỉ ngơi.

- Chụp động mạch vành tim: xác định được các vị trí mạch vành bị tắc nghẽn.

- Chụp CT tim: Sử dụng các kiểm tra bằng hình ảnh để xác định sự lắng đọng canxi trong lòng động mạch.

Điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ như thế nào?

Mục đích điều trị bệnh là giảm các triệu chứng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và hạn chế biến chứng. Giống với nhiều bệnh lý tim mạch khác, việc điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ có thể bao gồm: Thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và các can thiệp hoặc phẫu thuật ngoại khoa. Cụ thể.

Thay đổi lối sống

Một lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ ngay từ đầu, bạn cần:

- Bỏ thuốc lá.

- Giảm hoặc ngừng hẳn uống rượu bia.

- Chế độ ăn lành mạnh: ít muối, ít đường, ít các chất béo no và cholesterol; ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.

- Tránh các căng thẳng và stress.

- Kiểm soát các tình trạng mắc kèm như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu.

Điều trị bằng thuốc

Việc lựa chọn loại thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, một số loại thuốc thường sử dụng bao gồm: thuốc giãn mạch, thuốc chẹn betaloc, chẹn kênh canxi, thuốc trợ tim…

Điều trị ngoại khoa

Trong một số trường hợp bệnh tiến triển giai đoạn cấp tính, một số can thiệp có thể được lựa chọn:

- Can thiệp mạch vành qua da (nong và đặt stent mạch vành): Một ống thông dài đầu có gắn bóng được đưa vào vị trí mạch vành bị hẹp, bóng được bơm căng để nén các lớp chất lắng đọng vào thành động mạch. Sau đó một giá đỡ stent được đặt thêm vào để ngăn chặn sự tái hẹp.

- Phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành: Một đoạn mạch từ một vùng khác trong cơ thể sẽ được sử dụng để nối từ sau đoạn mạch vành bị tắc đến động mạch chủ; thường áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân bị tắc tại các mạch vành nhỏ hoặc tắc nhiều nhánh mạch vành mà việc đặt stent không phù hợp.

Các can thiệp này chỉ có tác dụng tăng cường lượng máu nuôi tim mà không chữa khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái hẹp trở lại. Do vậy, bạn hãy phối hợp với một lối sống lành mạnh, tuân thủ thuốc điều trị và nhớ đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để đảm bảo có một trái tim khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm:

Những lưu ý về luyện tập cho người bệnh mạch vành

Những lưu ý về chế độ ăn cho người bệnh mạch vành

Các phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim phổ biến bạn cần biết

Thiếu máu cơ tim nên uống thuốc gì để giảm đau ngực nhanh, hiệu quả lâu dài?

DS Thu Hà

Nguồn tham khảo:

https://www.healthline.com/health/coronary-artery-disease

https://www.webmd.com/heart-disease/guide/heart-disease-coronary-artery-disease

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronary-artery-disease/symptoms-causes/syc-20350613

https://www.baptisthealth.com/pages/services/heart-care/conditions/ischemic-heart-disease.aspx